Nguyên nhân sâu xa khiến EU chưa phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/10/2021 | 7:46:42 AM

Tổng thống Nga Putin nói rằng Gazprom có thể tăng nguồn cung cấp qua hệ thống Dòng chảy phương Bắc 2, giúp châu Âu hạ nhiệt giá khí đốt đang tăng vọt hiện nay. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu vẫn chưa sẵn sàng phê duyệt dự án này.

Một công nhân đang kiểm tra thiết bị tại trạm máy nén Slavyanskaya, điểm khởi đầu của Dòng chảy phương Bắc 2.
Một công nhân đang kiểm tra thiết bị tại trạm máy nén Slavyanskaya, điểm khởi đầu của Dòng chảy phương Bắc 2.

Xa xôi, yên tĩnh nhưng giàu năng lượng, khu vực Lubmin ven biển phía bắc nước Đức là nơi có hệ thống đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi nhất thế giới hiện nay.

Dòng chảy phương Bắc 2 trải dài 1.230km từ Vyborg ở Nga qua biển Baltic tới Lubmin ở Đức, không đi qua Ukraine và Ba Lan. Hệ thống đường ống này đã hoàn thành và đang chờ đợi phê duyệt trước khi bắt đầu cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên sang châu Âu mỗi năm.

Theo CNBC, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

EU không muốn phụ thuộc vào Nga

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo châu Âu không nên nhún nhường trước sức ép của Nga cũng như dễ dàng bỏ qua các quy trình cần thiết để sớm phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng toàn cầu tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nếu Nga có nhiều khí đốt hơn để vận chuyển cho châu Âu nhằm xoa dịu tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay, họ nên làm vậy thông qua các cơ sở hạ tầng đường ống hiện có, bao gồm cả hệ thống đi qua Ukraine.

"Tôi không nghĩ rằng châu Âu nên bị đẩy vào tình huống phải miễn trừ các hạn chế, miễn trừ các quy trình thủ tục hay pháp lý nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng mà ở một góc độ nào đó có thể khắc phục được thông qua các cơ chế và giải pháp khác”, ông Hochstein nói.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại bỏ ý tưởng áp đặt thêm trừng phạt đối với đường ống, cho rằng Nga sẽ vẫn hoàn thành dự án này cho dù có bị áp đặt trừng phạt kinh tế hay không.

Một số nghị sỹ châu Âu phản đối mạnh mẽ Dòng chảy phương Bắc 2 và không muốn các nhà quản lý phê duyệt dự án này.

"Chúng tôi muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga”, ông Morten Petersen, một nghị sỹ Đan Mạch tại Nghị viện châu Âu nói với CNBC.

Bài toán hạ nhiệt giá khí đốt

Giới chức Nga nói rằng việc nhanh chóng phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2 có thể giúp hạ giá khí đốt tự nhiên trong bối cảnh châu Âu đang chật vật đối phó với khủng hoảng năng lượng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định dự án này hoàn toàn mang tính thương mại và là cách hiệu quả để cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc 2 cắt ngắn lộ trình vận chuyển khí đốt sang châu Âu so với hệ thống đường ống đi qua Ukraine. Với mức độ hiện đại hơn và chi phí duy trì dự án mới này cũng rẻ hơn.

Phần lớn khí đốt tự nhiên cung cấp cho châu Âu là từ Nga. Theo Eurostat, năm 2020, EU nhập khẩu 43% khí đốt từ Nga. Ukraine cũng kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm từ việc trung chuyển khí đốt tự nhiên của Nga.

Năm 2019, Nga xuất khẩu gần 90 tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine trong khi khối lượng ước tính trong năm nay chỉ khoảng 40 tỷ mét khối.

Ba Lan và Ukraine là 2 nước phản đối mạnh mẽ Dòng chảy phương Bắc 2, viện dẫn lo ngại về an ninh năng lượng. Kiev lo ngại dự án mới có thể làm giảm khối lượng khí đốt vận chuyển qua các hệ thống đường ống ở Ukraine, khiến nước này bị mất nguồn doanh thu đáng kể.

Những người phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 cũng cho rằng hệ thống này không phù hợp với các mục tiêu khí hậu của châu Âu và phần lớn giúp đẩy mạnh ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Nga đối với khu vực.

Trong khi đó, Nga bác bỏ những tuyên bố này và nhấn mạnh dự án đường ống dưới biển Baltic có thể đóng vai trò quan trọng làm hạ nhiệt giá khí đốt.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng "hoàn thành sớm quy trình cấp chứng nhận” cho Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ thể giúp "hạ nhiệt tình hình hiện này”.

Thực tế, giá khí đốt tự nhiên gần đây đã giảm sau khi Tổng thống Putin ám chỉ rằng Nga có thể tăng sản lượng và công ty Gazprom chưa bao giờ "từ chối tăng nguồn cung cho khách hàng nếu có các giao kèo phù hợp”.

Tổng thống Putin nói rằng Gazprom có thể tăng nguồn cung thêm 17,5 tỷ mét khối khí qua hệ thống đường ống mới ngay sau khi các cơ quan quản lý phê duyệt.

Theo ông Gustav Gressel, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi các cơ quan quản lý năng lượng Đức phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và hiện cao gấp hơn 8 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.

Các nhà lãnh đạo Đức và châu Âu đang chịu sức ép phải có các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của giá khí đốt tăng mạnh đối với các hộ gia đình, trong bối cảnh có nhiều lo ngại tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế trong những tháng gần đây.

Điều này thúc đẩy môt số nhân vật tại châu Âu khuyến cáo nhanh chóng phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2 để đáp ứng nhu cầu cao hơn trong mùa đông tới.

Khủng hoảng giá khí đốt là do sai lầm chính sách của châu Âu?

Đối với EU, liên minh 27 thành viên này vẫn chưa chắc chắn về những gì cần phải làm với Dòng chảy phương Bắc 2.

Tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể khắc phục tình hình trong ngắn hạn nhưng vẫn còn các câu hỏi khó khăn về việc cần làm gì về trung và dài hạn, đặc biệt là với những nỗ lực trung hòa carbon được đặt ra trên khắp châu Âu hiện nay.

Dù một số người cho rằng khí đốt tự nhiên - nhiên liệu hóa thạch là một giải pháp giảm phát thải CO2 trên con đường hướng tới trung hòa carbon, vẫn có nhiều người cho rằng sự độc lập về năng lương là khía cạnh quan trọng nhất và vì thế năng lượng hạt nhân và năng lượng tái sinh được xem là lựa chọn.

Mỹ và một số nước Đông Âu cho rằng Nga muốn tận dụng hệ thống đường ống 10 tỷ USD, không đi qua Ukraine, như một vũ khí địa chính trị để tăng sự phụ thuộc của EU vào Nga, đồng thời khiến Kiev mất nguồn doanh thu từ việc trung chuyển khí đốt trên lộ trình vận chuyển truyền thống.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng chính sách năng lượng của EU được đưa ra bởi những người "không phải là chuyên gia” - những người đang "lừa dối cử tri”. Dù vậy thế giới có thể tránh được các cuộc khủng hoảng trong tương lai nếu tập trung vào "các dự án cơ bản” như Dòng chảy phương Bắc 2 thay vì các giao dịch giao ngay.

Ông Putin cho rằng cuộc khủng hoảng khí đốt là do những nỗ lực thiển cận của EU khi chuyển từ các hợp đồng dài hạn sang các hợp đồng giao ngay và tỷ lệ năng lượng tái sinh trong chính sách năng lượng kết hợp.

Theo ông Putin, điều đó khiến các nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng của Mỹ và Trung Đông giảm nguồn cung sang châu Âu và dẫn tới việc lục địa già thiếu hụt 75 tỷ mét khối khí đốt. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có công suất 55 tỷ mét khối có thể giúp khắc phục điều này.

"Khi châu Âu đặt ra các quy tắc thị trường, họ đã dựa trên cơ sở đó là một thị trường cao cấp. Nhưng thực tế không phải vậy - khí đốt đã được chuyển đến khu vực Mỹ Latinh và Châu Á. Điều đó liên quan gì đến Nga? Đây là kết quả từ chính các chính sách kinh tế của Ủy ban Châu Âu”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

(Theo VOV)

Các tin khác
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh tư liệu

Trong nỗ lực nhanh chóng mở cửa trở lại đất nước đón dòng du khách quốc tế, Campuchia sẽ chính thức triển khai “cơ chế hộp cát” (mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch) cho phép các tour miễn cách ly đối với những du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 được phép tới Sihanoukville, đảo Koh Rong và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor Resort ở tỉnh Koh Kong từ ngày 30/11 tới. Đây là những khu du lịch trọng điểm vùng duyên hải phía Nam Campuchia.

WTO đồng ý điều tra thuế Trung Quốc áp lên Australia.

WTO đồng ý thành lập hội đồng giải quyết khiếu nại của Canberra, xung quanh việc Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá đối với rượu nhập khẩu từ nước này. Đây là lần thứ hai Australia gửi khiếu nại, sau khi yêu cầu đầu tiên bị Trung Quốc chặn vào tháng 9.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi.

Ngày 26-10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của Ai Cập sau nhiều năm.

Các tay súng thánh chiến tại một địa điểm ở tỉnh Anbar, Iraq.

Các nguồn tin an ninh và y tế cho biết các tay súng không rõ danh tính đã giết hại 11 người và 15 người bị thương trong vụ tấn công ở làng Al-Hawasha, gần thị trấn Muqdadiya.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục