Ngày 29/10 (theo giờ New York), với 13 phiếu thuận và 2 phiếu trắng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua Nghị quyết số 2602 do Mỹ chủ trì soạn thảo về việc gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Tây Sahara (MINURSO) thêm 12 tháng, đến 31/10 năm sau.
Nghị quyết hoan nghênh việc bổ nhiệm và khẳng định ủng hộ đầy đủ đối với Đặc Phái viên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (TTK LHQ) về Tây Sahara và Đại diện Đặc biệt của TTK LHQ về Tây Sahara kiêm Trưởng Phái bộ MINURSO. Ngoài ra, Nghị quyết cũng thúc giục việc nối lại tiến trình chính trị một cách xây dựng, trên cơ sở tiến triển đạt được của cựu Đặc Phái viên TTK LHQ; ghi nhận quan ngại sâu sắc việc phá vỡ lệnh ngừng bắn.
Việt Nam hối thúc tất cả các bên coi việc bổ nhiệm Đặc phái viên và Đại diện Đặc biệt của TTK LHQ là một xung lực mới hỗ trợ tiến trình chính trị và hợp tác chặt chẽ với hai đại diện này. Đại sứ nhắc lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam là ủng hộ giải quyết vấn đề Tây Sahara thông qua các cuộc đàm phán hoà bình giữa các bên trực tiếp liên quan, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của HĐBA.
Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm một giải pháp công bằng, lâu dài và chấp nhận được với các bên, trong đó bảo đảm quyền tự quyết của người dân Tây Sahara, phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương LHQ vì hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Cùng ngày, với tất cả 15 phiếu thuận, HĐBA đã thông qua Nghị quyết số 2603 về gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Giám sát của LHQ ở Colombia và Nghị quyết số 2601 về bảo vệ giáo dục trong xung đột.
Nghị quyết 2603 (2021), do Anh và Mexico chủ trì soạn thảo, gia hạn hoạt động của Phái bộ Giám sát LHQ tại Colombia đến ngày 31/10 năm sau. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò và giao nhiệm vụ cho Phái bộ giám sát việc thực hiện phần 3.2, 3.4 và 6.3.3 của Thỏa thuận cuối cùng giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng quân đội cách mạng Colombia (FARC-EP).
Theo đó, các hoạt động chính của Phái bộ là thúc đẩy quá trình tái hòa nhập chính trị, kinh tế và xã hội của các cựu binh của FARC-EP; bảo đảm an ninh cho các cá nhân và tập thể, bao gồm các chương trình toàn diện về các biện pháp bảo vệ các cộng đồng và các tổ chức trong các khu vực bị ảnh hưởng xung đột. Ngoài ra, Nghị quyết đề cập đến nhiệm vụ bổ sung xác minh việc tuân thủ các bản án của Cơ quan tài phán đặc biệt vì hòa bình (SJP) của Colombia cho Phái bộ.
Nghị quyết 2601 về bảo vệ giáo dục trong xung đột với mục đích tăng cường bảo vệ trường học, học sinh và giáo viên ở những có xung đột. Nghị quyết được 99 nước đồng bảo trợ, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết bày tỏ quan ngại trước việc nhiều trẻ em trong xung đột vũ trang, không được tiếp cận giáo dục do trường học bị đe dọa, tấn công hoặc bị bom mìn và các vật nổ còn sót lại sau chiến tranh làm hư hại, phá hủy. Nghị quyết khẳng định vai trò và trách nhiệm chính của Chính phủ trong việc bảo vệ và cứu trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; đồng thời, nhấn mạnh quyền giáo dục sẽ đóng góp cơ bản vào vấn đề hòa bình và an ninh.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các bên liên quan trong xung đột bảo vệ, tôn trọng và thúc đẩy quyền giáo dục, đề ra các biện pháp ngăn ngừa và giải quyết các đe dọa, tấn công đối với trường học và cơ sở giáo dục. Các nước cũng cần bảo vệ và thực hiện hỗ trợ cần thiết cho trẻ em di cư, tị nạn và khuyết tật, giáo viên do bị ảnh hưởng của các cuộc tấn công vào trường học, hoặc do quân đội sử dụng trái với luật pháp quốc tế. Nghị quyết nhấn mạnh sự phối hợp giữa LHQ với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong việc ngăn chặn vi phạm và lạm dụng đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang và tăng cường đầu tư hỗ trợ nâng cao năng lực, cung cấp trang thiết bị phục vụ giáo dục từ xa.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh sự cần thiết tiếp cận công bằng đối với các trang thiết bị y tế, phương pháp điều trị, thuốc và vaccine COVID-19 có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng, nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy vấn đề giáo dục trong xung đột vũ trang. Tiến trình xây dựng, thương lượng Nghị quyết do Nigeria và Na Uy chủ trì, diễn ra từ tháng 7 – 10 năm nay, được coi là Nghị quyết riêng và đầu tiên của HĐBA về chủ đề này.
(Theo VOV)