Việc Taliban tiếp quản thủ đô Kabul ngày 15/8, sau cuộc tiến công nhanh chóng trên khắp Afghanistan, đã khiến nhiều người Afghanistan lo sợ. Nhiều người đang tuyệt vọng tìm cách rời khỏi đất nước. Những người không thể rời đi đang lo cho tương lai của mình.
Mohamed Shaheed, 33 tuổi và từng là nhân viên Cơ quan điều tra tội phạm (CID) ở Afghanisstan, đề nghị được dấu danh tính thật vì lý do an toàn. Shaheed đang ẩn náu cùng vợ và các con ở một nơi không được tiết lộ tại Afghanistan, nhưng mỗi ngày anh đều sống trong lo sợ rằng Taliban sẽ tìm ra mình.
"Trong suốt sự nghiệp tôi đã bắt giữ rất nhiều chiến binh Taliban. Tôi đã bắt họ vì tội chế tạo chất nổ, bom, trộm cắp và đút lót quan chức. Giờ thì họ truy tìm và muốn giết tôi. Kể từ khi họ tiếp quản, các vụ giết chóc đã gia tăng”, Shaheed nói.
Sống trong "ác mộng”
Ngay sau khi được trả tự do, các chiến binh Taliban bắt đầu tấn công nhà của Shaheed, buộc anh phải đưa gia đình lánh nạn ở nhà anh trai. Sau đó Shaheed lại một lần nữa phải lánh nạn, chỉ mang theo tư trang vì biết rằng Taliban vẫn đang truy tìm anh.
"Tôi đã tìm cách bỏ trốn, nhưng sau đó Taliban tìm đến nhà của anh trai tôi, đánh đập và tra khảo anh trai tôi. Anh ấy đã không tiết lộ về nơi tôi ở và cuối cùng họ cũng đã thả anh tôi”, Shaheed kể lại.
Shaheed có 13 năm làm nhân viên CID, nắm bắt các thông tin tình báo về mối đe dọa khủng bố. Anh nói rằng, sau khi chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ, các thành viên Taliban bị bắt giam trước đây đã được trả tự do và bạo lực lại một lần nữa xuất hiện trên đường phố.
"Tôi vẫn đang phải sống trong cơn ác mộng. Tôi không thể ra khỏi nhà, người thân trong gia đình tôi cũng vậy. Tôi thậm chí còn không thể chăm lo tốt cho gia đình mình. Tất cả chúng tôi đều sống trong sợ hãi”, Shaheed cho chia sẻ.
Theo lời kể của Shaheed, nhiều nhân viên CID khác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Con cái một số người bị mất tích và có thể đã bị bắt cóc.
Những người cảm thấy bị đe dọa đều rất khó khăn trong việc liên lạc với thế giới bên ngoài. Mạng xã hội bị hạn chế rất nghiêm ngặt để che đậy những gì đang diễn ra. Người dân không được phép đăng tải video và ảnh bêu xấu Taliban trên các trang mạng xã hội.
"Cuộc sống ở đây không còn được như thời chính phủ trước cầm quyền nữa. Họ đối xử tệ và trừng phạt người dân mỗi ngày. Tôi mong muốn lãnh đạo thế giới hãy cứu lấy cuộc sống của chúng tôi và để chúng tôi rời khỏi đây”, Shaheed nói.
Sau khi Taliban tiếp quản Kabul, một số nước đã triển khai nỗ lực tái định cư để đưa những người Afghanistan rời khỏi nước này, trong đó có Anh, Mỹ, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức và Italy. Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan vẫn đang sống dưới sự cai trị của Taliban và lo sợ rằng họ sẽ không bao giờ có thể rời khỏi đất nước. Đối với nhiều người, việc rời đi vào lúc này, khi mà Taliban đã kiểm soát hoàn toàn đất nước, là quá rủi ro.
Tương lai bất định
Zaheer, 45 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi vì lý do an toàn), cũng là một cựu nhân viên CID từng bắt giữ các chiến binh Taliban trước khi chính phủ cũ sụp đổ. Zaheer liên tục bị đe dọa và đã phải rời bỏ nhà cửa.
"Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình vì nếu bị Taliban tìm được, tôi sợ rằng mình không còn sống để kể lại nữa. Tôi đã bắt rất nhiều chiến binh Taliban trong suốt thời gian công tác và họ chưa bao giờ quên khuôn của chúng tôi. Tất cả các đồng nghiệp của tôi cũng rất lo cho số phận của mình. Một số người đã bị Taliban giết hại”, Zaheer nói.
Zaheer giải thích rằng, ngay khi nhận ra rằng Taliban sẽ chiếm quyền kiểm soát, anh đã quyết định đưa gia đình đi lánh nạn.
"Tôi biết rằng một khi Taliban nắm quyền, họ sẽ truy tìm chúng tôi và khi đó tôi không thể làm gì khác được nữa. Tổng thống của chúng tôi không thể giải quyết được lực lượng đó và đã rời khỏi đất nước. Tôi cũng phải đưa gia đình của mình chạy trốn trước khi họ truy tìm tôi”, Zaheer nói.
Cuộc sống của những người từng là "người gác cổng” của trật tự và công bằng như Shaheed và Zaheer đang ở bên bờ vực. Bản thân họ cũng không biết liệu Taliban có tìm thấy họ hay không.
"Chúng tôi sống trong chờ đợi và hy vọng rằng sẽ có ai đó giúp đỡ chúng tôi, nhưng tôi không biết ngày đó có tới hay không”, Zaheer buồn bã nói.
Fatima, 31 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi vì lý do an toàn), là một người mẹ đơn thân đến từ Kabul. Fatima cho biết cô thường xuyên phải sống trong lo sợ kể từ khi Taliban kiểm soát đất nước. Chồng cô đã bị Taliban giết hại năm 2020, để lại một mình cô nuôi nấng đứa con mới 6 tháng tuổi.
"Đối với tôi, sống dưới thời Taliban giống như địa ngục, chúng tôi thậm chí còn không thể ra khỏi nhà. Taliban không biết nơi tôi ở. Nếu tìm thấy tôi, họ sẽ lại làm tổn hại tới tôi và gia đình. Tôi không thể chịu đựng được khi nghĩ đến cảnh đó. Tôi chỉ muốn chạy trốn”, Fatima chia sẻ.
Trong lúc ẩn náu, Fatima vẫn chờ đợi kết quả xin thị thực ra nước ngoài, nhưng cũng lo lắng không biết cô sẽ rời khỏi Afghanistan như thế nào nếu được cấp thị thực.
"Tình hình của tôi ngày càng tệ. Tôi bị kẹt lại. Tôi ước gì thế giới sẽ đánh thức chúng tôi khỏi cơn ác mộng này. Tôi may mắn vẫn còn cha mẹ, chúng tôi sống cùng nhau, nếu không tôi có lẽ sẽ phát điên khi nghĩ về những nỗi đau mà họ [Taliban] gây ra”, Fatima nói.
Kìm nén những giọt nước mắt, Fatima bày tỏ lo lắng cho cậu con trai nhỏ - đứa trẻ lớn lên không có cha bên cạnh còn mẹ phải hy vọng từng ngày cuộc sống của họ vẫn được yên ổn.
"Chẳng bao giờ tôi muốn con mình lớn lên dưới lá cờ Taliban hay những thứ tương tự đại diện cho những kẻ đã giết cha của con tôi. Tôi cầu chúa rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ được giải thoát khỏi những người đó”, cô nói./
(Theo VOV)