Truyền thông Kazakhstan ngày 5/1 đưa tin chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, hạn chế di chuyển tại ba thành phố lớn và 14 tỉnh, dự kiến đến ngày 19/1. Quyết định được đưa ra sau khi biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng bùng phát thành bạo loạn.
Tại ba thành phố lớn, người biểu tình tấn công các quan chức chính quyền địa phương và đập phá các tòa nhà chính phủ. "Người biểu tình tấn công bằng gạch đá, gậy gộc, hơi cay và bom xăng", Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết.
Bộ phận truyền thông của sân bay quốc tế Almaty ở thành phố cùng tên cho biết "khoảng 45 người đột nhập vào sân bay tối 4/1, khiến các nhân viên sân bay phải sơ tán hành khách". Lực lượng chức năng Kazakhstan sau đó giành lại sân bay Almaty, đụng độ tại đây khiến hai binh sĩ thiệt mạng.
Biểu tình bùng phát sau khi chính phủ Kazakhstan quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi, từ 60 tenge (0,14 USD) lên 120 tenge (0,28 USD) mỗi lít. Nhiều người Kazakhstan dùng LPG để chạy xe. Theo số liệu của chính phủ, 70-90% xe hơi ở Mangystau chạy bằng loại nhiên liệu này.
Nội các của Thủ tướng Askar Mamin đồng loạt từ chức sau khi biểu tình bùng phát. Tổng thống Tokayev chấp thuận đơn từ chức, đồng thời yêu cầu họ cùng thống đốc các tỉnh tái áp đặt biện pháp kiểm soát giá LPG, xăng, dầu diesel và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Tổng thống Tokayev ngày 5/1 thông báo sẽ nắm quyền kiểm soát Hội đồng An ninh Kazakhstan, đồng thời kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu hỗ trợ ổn định tình hình. Tokayev cáo buộc "các phần tử khủng bố" đứng sau vụ chiếm sân bay Almaty và đang đụng độ với quân đội Kazakhstan bên ngoài thành phố.
Tokayev nói một số cơ sở trong thành phố Almaty bị hư hại trong các vụ bạo động. Tổng thống Kazakhstan nói người biểu tình đang "phá hoại hệ thống nhà nước" và "nhiều người trong số này được huấn luyện quân sự tại nước ngoài". Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết 8 cảnh sát và lính vệ binh quốc gia thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, 317 sĩ quan và quân nhân bị thương.
Kazakhstan là quốc gia có diện tích lớn thứ 9 thế giới. Nga duy trì quan hệ chặt chẽ với Kazakhstan. Nga đang vận hành sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan, nơi phóng tàu vũ trụ có người lái của họ, đồng thời tổ chức thử nghiệm tên lửa tại thao trường Sary Shagan tại quốc gia Trung Á.
(Theo VnExpress)