Giới chức Nhật Bản, Hàn Quốc sáng nay cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo xuống vùng biển phía đông. Đây là vụ thử vũ khí thứ tư của Bình Nhưỡng trong tháng đầu tiên của năm mới.
Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) trước đó cho biết nước này đã tiến hành hai vụ thử tên lửa siêu vượt âm ngày 5/1 và 11/1, cùng vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa ngày 14/1. Với các vụ thử này cùng những thành tựu tên lửa trước đó, Triều Tiên đang phô diễn với thế giới bộ ba khí tài uy lực nhất, gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và vũ khí siêu vượt âm.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress rằng kể từ khi quan hệ với Mỹ không có thêm tiến triển sau các hội nghị thượng đỉnh bế tắc, Triều Tiên đẩy mạnh chương trình nghiên cứu vũ khí mới, đồng thời phớt lờ mọi lời kêu gọi quay lại bàn đàm phán của cả đối thủ lẫn đồng minh. "Kết quả là Triều Tiên đến nay đã có thứ mình muốn và tổ chức loạt vụ thử để phô diễn điều đó", ông nói.
Ông cho rằng sức mạnh kết hợp từ bộ ba tên lửa này là rất lớn. Trong tình huống xung đột, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không phóng tên lửa siêu vượt âm riêng lẻ, mà phối hợp với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình để tạo ra đòn tấn công hiệp đồng uy lực.
"Không một hệ thống phòng thủ nào có thể cùng lúc đối phó với bộ ba này, chưa kể các hệ thống gây nhiễu điện tử, tên lửa mồi bẫy có thể giảm tối đa hiệu quả của tổ hợp đánh chặn. Vũ khí laser mà Mỹ đang nghiên cứu cũng không đủ thời gian nạp đạn và tác xạ để đối phó tên lửa siêu vượt âm", đại tá Tâm nhận định.
Trong số này có tên lửa siêu vượt âm với tầm bay xa hàng nghìn km, trần bay tới 60 km và đạt tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh (Mach 10). Tên lửa siêu vượt âm có thể thay đổi quỹ đạo trong khi bay, thay vì duy trì quỹ đạo ổn định như tên lửa đạn đạo, do đó các tổ hợp phòng thử tên lửa hiện nay gần như không thể đánh chặn loại khí tài này.
"Thay đổi lớn nhất trong nguyên lý phòng thủ là chuyển từ thụ động sang chủ động. Về nguyên tắc hoạt động, vũ khí phòng thủ chủ động lấy tấn công để phòng vệ", đại tá Tâm giải thích.
Vũ khí uy lực nhất của Triều Tiên trước đây là tên lửa đạn đạo, nhưng đây không phải là vũ khí "bất khả chiến bại". Cả Mỹ và Nga đều đã phát triển thành công các loại vũ khí đánh chặn có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo ở pha giữa hành trình, khi tên lửa có tốc độ thấp nhất, hoặc ngay khi vũ khí vừa rời khỏi bệ phóng.
Đến tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên bất ngờ thông báo phóng thử một loại tên lửa hành trình tầm xa mới, gọi đây là "vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng". Quả đạn di chuyển trong 7.580 giây theo quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8 trên lãnh thổ và lãnh hải Triều Tiên, sau đó bắn trúng mục tiêu cách 1.500 km.
Tuy nhiên, đánh chặn tên lửa hành trình cũng "khá đơn giản do chúng bay ở tốc độ cận âm" và Mỹ, Hàn Quốc đều sở hữu năng lực này, đại tá Tâm nhận định. Nhưng vũ khí siêu vượt âm lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Vũ khí siêu vượt âm mà Triều Tiên phát triển có vận tốc tương đương tên lửa Zircon của Nga. Nhờ tốc độ cực cao và khả năng chuyển hướng trong khi bay, loại vũ khí siêu vượt âm này có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất, kể cả Patriot và THAAD của Mỹ.
Thông số cụ thể về tính năng kỹ thuật của tên lửa siêu vượt âm Triều Tiên, Nga, Trung Quốc và Mỹ đang được giữ bí mật tuyệt đối. Do đó, giới chuyên gia quân sự vẫn chưa biết loại vũ khí này có thể mang tải bao nhiêu ngoài trọng lượng tên lửa và nhiên liệu được tra nạp.
"Vấn đề còn lại phụ thuộc vào công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân. Nếu Triều Tiên làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới mức tên lửa có thể mang tải được thì khi đó Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ đối mặt với vấn đề đau đầu gấp nhiều lần", đại tá Tâm kết luận.
(Theo VnExpress)