Trước đó, Nga cho biết nhà lãnh đạo Ukraine đã "biến mất" sau khi ban đầu nhất trí đàm phán.
"Tôi phải bác bỏ nhận định rằng chúng tôi từ chối đàm phán. Ukraine đã và vẫn sẵn sàng trao đổi về hòa bình cũng như lệnh ngừng bắn", người phát ngôn Sergii Nykyforov cho hay, đồng thời thông tin rằng hiện nay, "các bên đang tham vấn về thời gian và địa điểm đàm phán".
Kiev cũng xác nhận các bài báo cho rằng chính quyền Tổng thống Zelensky yêu cầu Israel làm trung gian hòa giải trong các cuộc trao đổi với điện Kremlin.
Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk nhận định với New York Times rằng Israel chưa đưa ra phản hồi.
"Họ không nói không. Họ đang cố gắng xác định họ đang ở đâu trên bàn cờ này. Chúng tôi tin Israel là một nước dân chủ có quan hệ tốt với cả Ukraine và Nga".
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Ukraine đã từ chối đàm phán ngày 25/2 và nhận định Kiev đang trì hoãn thảo luận vấn đề này tới 26/2.
Ông Zelensky đề nghị thủ đô Warsaw của Ba Lan là địa điểm đàm phán thay vì đề xuất của Nga là ở thủ đô Minsk của Belarus, nhưng đã "biến mất" ngay sau đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
* Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine sử dụng dân thường làm "lá chắn phòng thủ"
Lực lượng vũ trang Ukraine nên "nắm quyền" kiểm soát đất nước và đàm phán thỏa thuận hòa bình với Nga, Tổng thống Vladimir Putin nhận định trong cuộc họp Hội đồng An ninh Nga ngày 25/2.
Ông cũng cáo buộc chính phủ Ukraine đang sử dụng dân thường làm "lá chắn phòng thủ" trong cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Tổng thống Putin cho rằng quân đội Ukraine không được để chính phủ sử dụng "vợ con và những người yêu quý của họ làm lá chắn phòng thủ" - một chiến thuật mà theo ông đang được Kiev sử dụng trong chiến dịch quân sự của Moscow.
Tổng thống Putin.
"Hãy nắm lấy quyền lực trong tay!", nhà lãnh đạo Nga nói và nhận định, quân đội là đối tác dễ đàm phán hơn các chính trị gia ở Kiev.
Trước đó, cả Nga và Ukraine đều thể hiện thái độ sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, giao tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn bất chấp các tuyên bố trên.
* Ông Putin kêu gọi quân đội Ukraine phế truất lãnh đạo
Tổng thống Putin kêu gọi quân đội Ukraine phế truất giới lãnh đạo mà ông cáo buộc là "khủng bố" và "tân phát xít".
"Hãy tiếp quản quyền lực, chúng ta sẽ dễ dàng đạt thỏa thuận hơn", Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi thông điệp đến quân đội Ukraine trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 25/2.
Tổng thống Putin cáo buộc "những người theo chủ nghĩa dân tộc" ở Ukraine triển khai vũ khí hạng nặng trong khu dân cư tại các thành phố lớn để khiêu khích quân đội Nga. Ông nói giới lãnh đạo Ukraine "hành động như khủng bố" và "tân phát xít" khi "nấp sau lưng dân thường với hy vọng đổ lỗi cho Nga về thương vong dân sự".
"Ai cũng biết điều này diễn ra theo khuyến nghị của các cố vấn nước ngoài, chủ yếu là cố vấn Mỹ", Tổng thống Putin nói. Trước đó, ông Putin và các quan chức hàng đầu khẳng định quân đội Nga chỉ nhắm vào "những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan" tại Ukraine.
Tổng thống Putin ca ngợi quân đội Nga, nói rằng họ hành động "một cách can đảm và chuyên nghiệp". "Họ đang giải quyết thành công nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo an ninh cho người dân và đất nước chúng ta", ông cho biết.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga nhận định "tình hình là cực kỳ nguy hiểm" khi đề cập đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này. Ông Peskov cho biết chính quyền Ukraine từ chối tổ chức đàm phán ở Belarus theo đề nghị của Nga.
Tổng thống Nga ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Ông nói Nga "không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine". Quân Nga đang áp sát thủ đô Kiev.
Mỹ cùng các đồng minh, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), gần đây áp đặt loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Giới quan sát đánh giá tác động của các biện pháp này còn hạn chế, trong khi Nga cảnh báo họ sẽ đáp trả mạnh mẽ.
(Theo VOV - VnExpress)