Thị trường chứng khoán Nga vẫn đóng cửa, lãi suất được nâng lên gấp đôi, còn người dân không được mang hơn 10.000 USD tiền mặt ra nước ngoài.
|
Một người bán hàng đang đếm tiền tại chợ ở Omsk (Nga).
|
Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước châu Âu áp lên Nga vài ngày qua đang khiến các nhà băng lớn nước này không thể tiếp cận nguồn đôla và các ngoại tệ dự trữ khác. Nhiều ngân hàng Nga đã bị loại khỏi SWIFT – hệ thống hỗ trợ thanh toán và kết nối các tổ chức tài chính toàn cầu. Phương Tây cũng ngăn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng lượng lớn dự trữ ngoại hối để bảo vệ nền kinh tế.
Vì thế, chính phủ Nga cũng công bố hàng loạt biện pháp mới nhằm hạn chế tác động của lệnh trừng phạt lên nền kinh tế. Hôm 1/3, họ ban lệnh cấm tạm thời nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản tại Nga. Hiện chưa rõ lệnh cấm này sẽ có tác động thế nào đến các công ty phương Tây đã thông báo sẽ rời khỏi Nga. Một ngày trước đó, Nga cấm công dân cho vay người nước ngoài và đề nghị các hãng xuất khẩu bán 80% ngoại tệ thu được.
Điện Kremlin cho biết các lệnh trừng phạt sẽ không khiến họ thay đổi ý định. "Họ tin rằng áp lệnh trừng phạt là có thể buộc chúng tôi thay đổi quan điểm", Dmitry Peskov – người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm qua. Khi được hỏi về việc người Nga xếp hàng chờ rút tiền tại các ATM, ông nói: "Thật không may, đây là phản ứng cảm tính ban đầu. Tôi tin rằng sau vài ngày, những cảm xúc này sẽ bình thường trở lại".
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo chính phủ sẽ chi 1.000 tỷ ruble (9 tỷ USD) để mua cổ phiếu các công ty Nga. Ngân hàng Trung ương Nga hôm 28/2 cũng nâng gấp đôi lãi suất lên 20% khi giá đồng ruble xuống thấp kỷ lục so với đôla Mỹ.
Nhiều thành phần trong hệ thống tài chính Nga vẫn đang ngừng hoạt động khi giới chức tìm cách ổn định tình hình. 1/3 là ngày đầu tiên người Nga bị hạn chế chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Chính sách này nhằm ngăn ngoại tệ trong nền kinh tế khan hiếm đột ngột.
Tổng thống Putin hôm qua cũng ký sắc lệnh cấm người dân mang hơn 10.000 USD ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài, TASS cho biết. Người nước ngoài có liên quan đến "các nước có động thái thù địch với Nga" sẽ cần chính phủ Nga cho phép khi giao dịch cổ phiếu, bất động sản, cũng như đi vay đồng ruble.
Giao dịch trên sàn chứng khoán Moskva vẫn chưa phục hồi. Hoạt động trên thị trường ngoại hối trong nước cũng vậy.
Giao dịch đồng ruble trên thị trường quốc tế thì khá lẻ tẻ, do phần lớn ngân hàng e ngại tài sản Nga. Trái phiếu chính phủ Nga cũng biến mất khỏi bảng điện tử của nền tảng giao dịch trái phiếu hàng đầu thế giới Tradeweb, với lý do tuân thủ lệnh trừng phạt của phương Tây.
SWIFT hôm 1/3 tuyên bố sẵn sàng loại các ngân hàng Nga chịu tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây. Nhiều ngân hàng châu Âu, như Bank of New York Mellon hay Deutsche Boerse cũng đã có biện pháp ngăn các tổ chức tài chính và công ty Nga tiếp cận thị trường quốc tế. Nhiều ngân hàng khác thì ngừng dịch vụ liên quan đến cổ phiếu các công ty Nga niêm yết trên sàn châu Âu.
Hôm 28/2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết ngành ngân hàng nước này đang trải qua thời kỳ thâm hụt thanh khoản cấu trúc. Điều này có nghĩa họ thiếu hụt lượng tiền dễ tiếp cận cần thiết để duy trì hệ thống tài chính.
(Theo VnExpress)
Sau khi Ukraine thông báo muốn sớm có được thủ tục đặc biệt để làm thành viên của Liên minh châu Âu (EU), đến lượt Gruzia cũng nói sẽ "lập tức nộp đơn xin vào EU".
Công tố viên Karim Khan của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) xác nhận cơ quan này lập tức mở cuộc điều tra về tình hình chiến sự ở Ukraine theo yêu cầu của một số lượng lớn nước thành viên.
Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ, một giải pháp cho xung đột ở Ukraine chỉ có thể đạt được với một số điều kiện, trong đó các lợi ích an ninh của Nga được xét đến và Kiev phải đảm bảo trung lập.
Chính phủ Séc ngày 2/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong 30 ngày kể từ ngày 4/3 nhằm tập trung hỗ trợ hiệu quả hơn cho những người tị nạn từ Ukraine.