Các nguồn tin giấu tên cho biết, Mỹ đã thảo luận với đồng minh châu Âu về biện pháp "cô lập" nền kinh tế dầu lửa của Nga. Tuy nhiên, các nước châu Âu và Anh, vốn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt Nga, sẽ chưa tham gia biện pháp cấm vận hoàn toàn này.
Thay vào đó, đêm qua (8/3) theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga từ nay đến cuối năm 2022, còn mặt hàng khí đốt sẽ chưa tiến hành cấm vận.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của khối vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc này trước năm 2030.
Hiện EU đang nhập khẩu 45% nhu cầu khí đốt từ Nga. Còn với mặt hàng dầu mỏ vốn đang chiếm hơn 25% nhập khẩu từ Nga. Kế hoạch của EC không nhắc tới việc hạn chế hay cấm mua bán nào.
Theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu, để giảm dần sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu của Nga trong ngắn hạn, các nước châu Âu sẽ sử dụng các nguồn năng lượng thay thế cho 155 tỷ m3 khí đốt mà các nước châu Âu hàng năm phải nhập từ Nga.
Cụ thể, nguồn cung khí hóa lỏng, khí đốt nhập khẩu từ Mỹ và Qatar thay cho 1/3, tương đương 60 tỷ m3 khối khí; còn nguồn cung năng lượng từ gió và mặt trời đảm bảo được 20 tỷ m3.
Ngoài ra, việc giảm bộ điều nhiệt sưởi ấm xuống 1 độ C cũng giúp các nước châu Âu tiết kiệm 10 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu trong năm nay.
Kế hoạch của Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu các nước thành viên đảm bảo dự trữ 90% kho chứa khí đốt trước ngày 1/10 hàng năm để chủ động nhu cầu sử dụng trong mùa đông.
Hiện lượng dự trữ trong các kho khí đốt của Liên minh châu Âu cho mùa đông sắp tới đang là 27%.
Để có được nguồn cung khí hóa lỏng từ các nước Mỹ, Qatar, Australia, các nhà nhập khẩu EU có thể phải chi trả tốn kém hơn.
Trước thời điểm Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch này, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Hà Lan còn cho rằng châu Âu chưa thể dừng phụ thuộc khí đốt vào Nga trong ngắn hạn, bởi vậy việc các nước châu Âu có thể sớm hiện thực hóa kế hoạch trên vẫn là bài toán chờ lời giải.
Kế hoạch về giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào ngày 10 - 11/3 tại Pháp. Sau khi lãnh đạo các nước thông qua, thủ tục tiếp theo là đưa ra Nghị viện bỏ phiếu, sau đó Hội đồng châu Âu thông qua mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, kế hoạch đang vấp phải sự phản đối từ những đầu tàu kinh tế của khối như Đức - nước nhập khẩu tới 65% khí đốt từ Nga.
(Theo VTV)