Hàng không châu Âu hỗn loạn do đình công và thiếu nhân lực

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2022 | 7:45:36 AM

Hỗn loạn có lẽ là những gì đúng nhất để mô tả khung cảnh tại các sân bay lớn ở châu Âu những ngày này.

Hàng không hủy chuyến, khách du lịch xếp hàng chờ hàng giờ đồng hồ mà vẫn chưa chắc được bay. Nguyên nhân là do đình công hàng loạt. Hàng dài xếp hàng tại sân bay Hamburg của Đức, hành khách nhích từng tí một, chờ đợi hàng giờ để được làm thủ tục. Việc có được một chiếc vé máy bay cũng không có nghĩa là có thể tận hưởng kỳ nghỉ của mình, bởi dù họ có mua chiếc vé đó với giá cao ngất ngưởng thì cũng có khả năng chuyến bay bị hủy vào phút chót.

Chậm, hủy chuyến, thất lạc hành lý, đó là thực trạng ở châu Âu trong mùa cao điểm du lịch. Đầu tháng này, hoạt động của hai hãng hàng không giá rẻ của Tây Ban Nha là Ryanair và EasyJet đang bị đình trệ do các cuộc đình công của các nhân viên phi hành đoàn. Đại diện công đoàn Ryanair cho biết, nhiều người đang kiệt sức. Mức lương cơ bản là 854 euro, quy đổi ra chỉ có 8,5 euro/giờ. Cuộc đình công sẽ kéo dài trong 12 ngày để yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn.

Một hành khách bức xúc: "Chúng tôi sẽ đến Berlin và chúng tôi được thông báo rằng chuyến bay của chúng tôi đã bị hủy. Không ai gửi email cho chúng tôi, chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Họ nói với chúng tôi rằng có thể bay vào ngày mai nhưng cũng không chắc".

Hay như Scandinavia Airlines (SAS) - hãng hàng không đa quốc gia của ba nước gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy riêng trong ngày 4/7 đã hủy hơn một nửa lịch trình bay do không thỏa thuận được về lương của các phi công. Sự cố này đã ảnh hưởng đến khoảng 30.000 hành khách trong 1 ngày.

Heathrow, sân bay bận rộn nhất của London, tuần trước cũng đã yêu cầu các hãng cắt bớt chuyến bay, vì lượng hành khách cao hơn mức có thể xử lý.

Thiếu nhân lực hậu dịch bệnh

Mùa hè là mùa du lịch, mùa ăn nên làm ra của các hãng hàng không. Thế nhưng, mùa hè năm 2022 này là mùa hè của nhiều sự hỗn loạn. Việc phục hồi sau dịch không dễ dàng như ước tính, đặc biệt là vấn đề nhân lực hàng không.

Anh Loris Foreman làm nhân viên tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris Pháp. 8 năm kinh nghiệm, nhưng mức lương anh nhận được chỉ 1.770 euro/tháng. Một con số quá nhỏ so với áp lực công việc cũng như chi phí đắt đỏ như ở Paris.

Trong suốt thời kỳ dịch bệnh, các hãng hàng không, sân bay và những doanh nghiệp khác trong ngành đã mạnh tay cắt giảm lực lượng lao động. Ngành hàng không thế giới mất 2,3 triệu việc làm trong đại dịch, với các công việc liên quan đến xử lý vấn đề trên mặt đất và an ninh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giờ đây, sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu đi lại đã khiến ngành công nghiệp hàng không chưa kịp thích nghi và phải chật vật trong việc tìm kiếm đủ số nhân viên cần thiết. Nhiều người lao động đã không mặn mà quay trở lại với công việc hàng không do chế độ đãi ngộ không tương xứng trong khi phải chịu áp lực cao.

Ông Joost Van Doesburg - Công đoàn FNV tại sân bay Schiphol (Hà Lan) cho biết: "Khi COVID bùng phát, tất cả các công ty an ninh, công ty xử lý đều sa thải tất cả nhân viên của họ, hàng nghìn công việc đã biến mất. Và tất cả những người này đã tìm được công việc mới với mức lương cao hơn, ổn định hơn".

Tình hình càng trở nên khó khăn hơn bởi sau đại dịch người lao động có xu hướng chọn lựa việc làm từ xa. Như tại Đức, khoảng 20% việc làm trong lĩnh vực an ninh làm thủ tục và xử lý máy bay hiện vẫn bị bỏ trống. Hậu quả là cảnh ùn tắc ở sân bay, hoãn chuyến hủy chuyến vẫn đang diễn ra giữa lúc cao điểm du lịch và hàng không đang có đà phục hồi hậu dịch bệnh.

Hiện nay chính phủ các nước đang tìm cách để cứu các sân bay. Đức cho biết sẽ hỗ trợ ngành hàng không đưa nhân viên nước ngoài, chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ, đến Đức để lấp đầy khoảng trống nhân sự. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang lên kế hoạch bổ sung hàng trăm nhân viên tại các sân bay lớn, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế.

* Hãng hàng không SAS và công đoàn tiếp tục đàm phán đình công trong ngày 13/7

Scandinavian Airlines (SAS) và công đoàn đại diện cho các phi công sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 13/7 để cố gắng đạt được thỏa thuận lao động mới.

Trong cuộc đình công kéo dài một tuần do các phi công khởi xướng, hãng hàng không Scandinavian Airlines (SAS) đã phải hủy hơn 1.200 chuyến bay kể từ ngày 4/7 khi các cuộc đàm phán với các phi công của hãng về thỏa thuận thương lượng tập thể mới sụp đổ và họ đã phát động cuộc đình công làm tê liệt hoạt động bay.

"Chúng tôi đã yêu cầu các bên gặp gỡ tại Stockholm từ hôm 13/7", hòa giải viên Thụy Điển Jan Sjolin cho biết.

Henrik Thyregod, người đứng đầu Liên đoàn phi công Đan Mạch nói với Reuters rằng, ông chắc chắn việc đàm phán sẽ đạt được kết quả, nhưng không chắc các cuộc đàm phán sẽ kéo dài trong bao lâu.

"Tôi mong đợi sẽ thảo luận về một thỏa thuận thương lượng tập thể để chúng tôi có thể đưa các phi công trở lại buồng lái và hành khách trở lại máy bay", ông nói.

Người phát ngôn của SAS và các công đoàn phi công của Na Uy và Thụy Điển cũng xác nhận, các cuộc đàm phán sẽ được nối lại nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về nội dung hoặc kết quả đàm phán dự kiến.

Ngày 11/7, hãng hàng không SAS cho biết đã thông báo với các nhà hòa giải rằng họ muốn nối lại các cuộc đàm phán với mục đích "đạt được một thỏa thuận lao động tập thể mới".

"SAS hiểu rằng việc tiếp tục hòa giải đòi hỏi sự nhượng bộ của cả hai bên và SAS sẵn sàng chịu trách nhiệm về phần mình trong quá trình đó", SAS cho biết trong một tuyên bố.

Các nghiệp đoàn đình công đã rất tức giận trước quyết định của SAS thuê phi công mới thông qua hai công ty con thay vì tuyển dụng lại những nhân viên cũ bị sa thải trong đại dịch, khi gần một nửa số phi công của hãng đã bị cho thôi việc.

Gặp khó khăn trong nhiều năm qua, SAS vào ngày 5/7 đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại Mỹ, một động thái mà hãng cho biết là hậu quả do cuộc đình công gây ra. Trang web theo dõi chuyến bay FlightAware cho thấy, 190 chuyến bay, tương đương 61% chuyến bay theo lịch trình của SAS, đã bị hủy vào ngày 12/7. 

(Theo VTV)

Các tin khác
Người dân chống chọi với nắng nóng ở Thượng Hải.

Hàng chục thành phố của Trung Quốc đang trải qua tình trạng nắng nóng gay gắt khiến mái nhà và đường sá tan chảy. Để tránh nóng, nhiều người ở Nam Kinh đã phải trú ẩn trong những boongke ngầm dưới lòng đất.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa bỏ chạy sang Maldives trước khi từ chức.

Giữa làn sóng biểu tình bủa vây, Tổng thống Sri Lanka sáng nay đã bỏ chạy sang Maldives trước khi thông báo từ chức.

Ống đựng mẫu xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ.

Bộ trưởng Y tế Malaysia (MoH) Khairy Jamaluddin xác nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm 11/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh về việc đơn giản hoá thủ tục cấp quy chế công dân cho mọi người dân Ukraine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục