Kiev chưa phản hồi về thông tin. Ukraine trước đó tố Nga đóng quân và cất giữ thiết bị quân sự trong khuôn viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia,thuộc phần lãnh thổ do Nga kiểm soát gần thành phố Enerhodar.
Tướng Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thêm rằng không quân Nga cũng bắn hạ hai máy bay Ukraine, gồm một tiêm kích MiG-29 ở tỉnh miền nam Mykolaiv và một cường kích Su-25 trên bầu trời tỉnh miền đông Donetsk.
Tỉnh trưởng Belgorod, miền tây nước Nga, hôm 20/7 cáo buộc lực lượng Ukraine nã pháo vào hai ngôi làng Nga ở gần biên giới, khiến một dân thường thiệt mạng.
"Theo báo cáo sơ bộ, 5 quả đạn đã đáp xuống mặt đất. Tại khu Nekhoteevka, 4 ngôi nhà bị hư hại với phần mái lợp, cửa sổ và hàng rào đều bị trúng đạn", tỉnh trưởng Vyacheslav Gladkov đăng lên Telegram.
Vị trí Belgorod.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine 'không còn ý nghĩa". Ông Lavrov khẳng định các cuộc gặp trước đó đã cho thấy phía Ukraine "không mong muốn thảo luận bất cứ điều gì một cách nghiêm túc".
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước được công bố cùng ngày, Ngoại trưởng Lavrov cũng tuyên bố Nga không còn chỉ tập trung vào Donbass ở miền đông, mà mở rộng sang miền nam và các khu vực khác.
Ngoại trưởng Nga nói thêm việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev, trong đó có tổ hợp pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất, đã khiến Moskva phải xem xét lại kế hoạch của mình. Ông cũng cảnh báo "các mục tiêu địa lý của Nga sẽ còn tiến xa hơn nữa so với ranh giới hiện tại" nếu phương Tây còn tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng ngày thông báo sẽ gửi thêm 4 hệ thống pháo phản lực HIMARS tới Ukraine để giúp lực lượng này ứng phó Nga, nâng tổng số pháo HIMARS mà Washington cung cấp cho Kiev là 16.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 20/7 thông qua vòng trừng phạt thứ bảy áp đặt lên Nga, cấm nhập khẩu vàng Nga và đóng băng tài sản của Sberbank, ngân hàng hàng đầu nước này.
Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước thành viên EU giảm 15% nhu cầu khí đốt từ tháng 8 cho đến tháng 3 năm sau. Cơ quan này cũng yêu cầu các nước trao cho EU quyền hạn đặc biệt để bắt buộc các thành viên giảm nhu cầu khí đốt trong trường hợp Nga cắt mạch khí đốt của châu Âu.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ghi nhận 5.024 dân thường thiệt mạng và 6.520 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine hôm 24/2. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 9,5 triệu lượt người rời Ukraine và khoảng 3,7 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong gần 5 tháng xung đột. Cơ quan ghi nhận hơn 5,8 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.