Ngày 25-7, bà Droupadi Murmu đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ấn Độ, trở thành Tổng thống đầu tiên của nước này có xuất thân từ cộng đồng bộ lạc.
|
|
Lễ nhậm chức có sự tham dự của Chủ tịch Thượng viện M. Venkaiah Naidu, Thủ tướng Narendra Modi, Chủ tịch Hạ viện Om Birla, các bộ trưởng liên bang, các nghị sĩ cùng các quan chức chính phủ.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội sau khi tuyên thệ nhậm chức, bà Murmu nhấn mạnh, chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử ngày 18-7 vừa qua "là bằng chứng cho thấy người nghèo ở Ấn Độ có thể ước mơ và biến các ước mơ đó thành hiện thực", đồng thời cho biết, trên cương vị Tổng thống, bà sẽ tập trung vào phúc lợi cho những người chịu thiệt thòi.
Đăng tải trên mạng xã hội Twitter sau phát biểu của tân Tổng thống, Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, việc bà Murmu trở thành Tổng thống đánh dấu bước ngoặt đối với Ấn Độ, đặc biệt đối với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề.
Không chỉ là tổng thống đầu tiên của Ấn Độ có xuất thân từ cộng đồng bộ lạc, bà Murmu còn là người phụ nữ thứ hai giữ chức vụ này, sau bà Pratibha Patil. Ban đầu là một giáo viên, bà Murmu đã tham gia chính trường và nhiều lần được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền địa phương. Gần đây nhất, bà giữ cương vị Thống đốc bang Jharkhand - cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Bà được đánh giá là chính trị gia giàu kinh nghiệm, có kiến thức sâu rộng.
Tổng thống Ấn Độ có nhiệm kỳ 5 năm, đảm nhiệm cương vị Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang và phê chuẩn tất cả luật mới, cũng như đóng vai trò dẫn dắt tiến trình thành lập chính phủ.
(Theo HNMO)
Ngày 25/7, Tổng thống mới của Philippines, ông Ferdinand Marcos đã trình bày thông điệp quốc gia đầu tiên tại Quốc hội.
Tổng thống Brazil cảnh báo Mỹ và châu Âu sẽ phải trả giá đắt khi Nga cắt nguồn cung khí đốt và chính người dân các nước này phải gánh chịu giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.
Ngày 24-7, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các cơ quan y tế công cộng để thảo luận về các biện pháp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ, vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Sự phản đối ngày càng gia tăng ngay trong các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đối với kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên của khối này. Điều đó dẫn tới câu hỏi khối này sẽ chuẩn bị cho mùa đông như thế nào nếu Nga tiếp tục ngừng cung cấp năng lượng?