Trả lời phỏng vấn với giới truyền thông vào ngày 15/8, Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko thừa nhận người dân thủ đô Ukraine đang phải "sống trong một thực tại khó khăn và cần chuẩn bị tinh thần cho mùa đông lạnh giá sắp tới".
Ông Klitschko khẳng định việc cung cấp đầy đủ khí đốt đến người dân là trách nghiệm của chính phủ, và Văn phòng Nội các Ukraine đã trấn an ông rằng giá khí đốt cung cấp cho người dân Kiev sẽ không tăng lên.
Tuy nhiên, Thị trưởng Kiev không loại trừ những tình huống xấu hơn, đặc biệt là khi Nga đang rất quyết tâm trong việc giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Do vậy, ông Klitschko khuyến cáo người dân nên tự trang bị thêm quần áo ấm và chăn cho mùa đông tới.
"Chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho mọi tình huống. Khí đốt sẽ được ưu tiên cho bệnh viện, nhà trẻ và trường học. Nhưng chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để giữ ấm nhà", ông Klitschko nói.
Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos vào tháng 5/2022
Trước đó, trong một tuyên bố ngày 12/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho hay chính phủ Đức đang chuẩn bị một gói giải pháp nhằm đối phó với nguồn cung khí đốt hao hụt từ Nga.
"Tất cả các công trình công cộng, ngoại trừ bệnh viện và các cơ sở xã hội, sẽ không được bật máy sưởi quá 19 độ C", ông Habeck cho biết, đồng thời nhắc lại các quyết định trước đó về việc cấm các bể bơi công cộng bật hệ thống sưởi cũng như yêu cầu các tòa nhà và đài tưởng niệm không bật đèn trang trí suốt đêm.
Với việc nhập khẩu tới 55% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, việc Moscow giảm nguồn cung khiến cho giá khí đốt ở Đức đang ở mức cao kỷ lục, kéo theo nguy cơ về lạm phát tăng vọt. Theo người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức Klaus Mueller, Đức sẽ không có đủ khí đốt để trụ qua mùa đông tới nếu không có thêm nguồn cung đến từ Nga.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck
Vào cuối tháng 7, Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga đã cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream xuống còn 20% công suất, tương đương còn 33 triệu m3 mỗi ngày vì lý do sửa chữa tuabin.
Châu Âu cáo buộc Nga đang hạn chế nguồn cung khí đốt cho các nước này để trả đũa biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow. Lý giải việc cắt giảm nguồn cung cho châu Âu, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Công suất bơm khí đốt bị giảm xuống. Tại sao ư? Tại vì quá trình bảo trì thiết bị kỹ thuật trở nên khó khăn hơn do những lệnh trừng phạt của châu Âu".
(Theo Dân trí)