Thái Lan đang chuẩn bị cho một chương trình thị thực mới có giá trị lên tới 10 năm thu hút thêm nhiều chuyên gia nước ngoài tới Thái Lan làm việc.
Nhóm đối tượng mà Chính phủ Thái Lan hướng tới là những người nước ngoài giàu có, chủ yếu là những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ và du mục kỹ thuật số (những người chủ yếu làm việc thông qua thiết bị công nghệ và thường xuyên di chuyển).
Thái Lan kỳ vọng kế hoạch này sẽ mang lại khoảng 26 tỷ euro cho nền kinh tế đất nước trong thập kỷ tới.
Ông Narit Therdsteerasukdi, Phó Tổng thư ký Hội đồng Đầu tư Thái Lan cho biết ước tính ít nhất 50% người nộp đơn cho chương trình thị thực Cư trú dài hạn (LTR) sẽ đến từ châu Âu.
Ông nói: "Thái Lan đã là một điểm đến yêu thích của người dân châu Âu... Những phản hồi mà chúng tôi nhận được trước khi chính thức ra mắt (LTR) đã phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ.”
Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Thái Lan, sau Nhật Bản, với giá trị cổ phiếu đầu tư lên tới 19,8 tỷ euro ở quốc gia Đông Nam Á này tính đến cuối năm 2020.
Thái Lan dự kiến bắt đầu nhận đơn xin cấp thị thực theo chương trình LTR từ ngày 1/9 theo 4 loại, gồm "Chuyên gia có tay nghề cao,” "chuyên gia làm việc từ Thái Lan,” "Công dân toàn cầu giàu có” và "Người hưởng lương hưu giàu có.”
Yêu cầu cơ bản để được cấp "thị thực vàng” là phải chứng minh tài tài sản ít nhất 1 triệu USD và thu nhập hàng năm là 80.000 USD, mặc dù các quy tắc này có thay đổi đôi chút giữa các nhóm khác nhau.
Các ứng viên cho loại "Chuyên gia có tay nghề cao" sẽ phải làm việc trong một lĩnh vực được Chính phủ Thái Lan coi là cần thiết.
Những người thuộc danh mục "Chuyên gia làm việc từ Thái Lan," chủ yếu hướng đến diện đối tượng là nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ, phải được tuyển dụng bởi một công ty có doanh thu ít nhất 150 triệu USD trong vòng 3 năm.
Những người đăng ký danh mục "Công dân toàn cầu giàu có" sẽ cần đầu tư ít nhất 500.000 USD vào Thái Lan, bao gồm trái phiếu và tài sản.
Bà Lynn Tastan, phụ trách dịch vụ di động toàn cầu của công ty kiểm toán KPMG chi nhánh Thái Lan, đánh giá LRT sẽ cần phải có một số điều chỉnh nhất định.
Những người hưu trí ở châu Âu có thể thích nộp đơn xin thị thực hưu trí hiện có của Thái Lan vì loại thị thực này kèm theo cam kết đầu tư thấp hơn so với danh mục "Người hưởng lương hưu giàu có" dự kiến được kiến được đưa ra trong chương trình LTR.
Bà cho rằng một trong những thách thức chính là cung cấp các tài liệu chứng minh theo yêu cầu của LTR, do vậy giảm bớt gánh nặng hành chính cho tất cả các bên sẽ là yếu tố quyết định đến thành công của LTR.
Theo bà Lynn Tastan, điểm hấp dẫn chính của chương trình LTR là các hình thức "Công dân toàn cầu giàu có" và "Chuyên gia làm việc từ Thái Lan."
Thái Lan hiện không có loại thị thực hoặc giấy phép lao động dành riêng cho những người nước ngoài thuộc các nhóm này.
Quan trọng hơn, chương trình LTR không quy định người nước ngoài xin cấp thị thực thuộc 2 diện này cần phải có một bên bảo trợ tại Thái Lan để làm việc hoặc cư trú tại nước này.
Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang xem xét các chương trình thị thực tương tự như LTR của Thái Lan.
Campuchia gần đây đã triển khai chương trình "Ngôi nhà thứ hai của tôi" với những ưu đãi cho người nước ngoài có vốn đầu tư tối thiểu là 100.000 USD.
Indonesia được cho là đang xem xét cấp thị thực "du mục kỹ thuật số" có giá trị 5 năm để thu hút du khách chi tiêu nhiều hơn.
(Theo Vietnam+)