Thủ tướng Phần Lan và Thụy Điển khẳng định hai nước sẽ gia nhập NATO trong bối cảnh vấp phải phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại thủ đô Helsinki ngày 28/10.
|
Trong cuộc họp báo tại thủ đô Helsinki ngày 28/10, Thủ tướng Sanna Marin cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói ông có nhiều câu hỏi cho Thụy Điển hơn đối với Phần Lan.
Tuy nhiên, bà Marin khẳng định Phần Lan không bỏ lại Thụy Điển trong quá trình gia nhập NATO. "Thụy Điển và Phần Lan cùng gia nhập NATO là điều rất quan trọng đối với chúng tôi", bà Marin nói.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, người vừa nhậm chức tuần trước, khẳng định hai nước Bắc Âu đang từng bước thực hiện tiến trình gia nhập NATO và "không ai trong chúng tôi có tham vọng nào khác".
Ông Kristersson cho biết sẽ sớm gặp Tổng thống Erdogan để xác nhận rằng Thụy Điển đang làm những gì đã cam kết theo thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tờ Aftonbladet của Thụy Điển ngày 28/10 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ mời Thủ tướng Kristersson dự cuộc họp song phương tại thủ đô Ankara, có thể diễn ra ngày 8/11. Phát ngôn viên của Thủ tướng Kristersson chưa bình luận về thông tin này.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần phản đối đơn xin gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu, lần gần nhất vào ngày 6/10. Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ nguyên lập trường tới khi Phần Lan và Thụy Điển "thực hiện lời hứa" về hợp tác trong vấn đề người Kurd.
Trong thỏa thuận hồi tháng 6, Phần Lan và Thụy Điển đồng ý hợp tác dẫn độ và chia sẻ thông tin "chống khủng bố" với Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Ankara sẽ phê duyệt đề xuất mời hai nước gia nhập NATO.
Tổng thống Erdogan và quan chức dưới quyền nhiều lần cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các phần tử cực đoan lưu vong và ủng hộ phong trào ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước Bắc Âu bác bỏ cáo buộc này.
Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ truyền thống trung lập quân sự sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Chính phủ hai nước chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5, với kỳ vọng sẽ được phê duyệt nhanh chóng. 28/30 nước thành viên NATO đồng ý để hai nước Bắc Âu gia nhập, song Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary trì hoãn phê duyệt.
Ngoài điều kiện hợp tác dẫn độ và chia sẻ thông tin "chống khủng bố", Thổ Nhĩ Kỳ còn yêu cầu hai nước Bắc Âu chấm dứt các lệnh trừng phạt vũ khí có hiệu lực từ năm 2019 liên quan đến hoạt động quân sự tại Syria. Thụy Điển ngày 29/9 cấp phép nối lại xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực lấy lòng đồng minh quân sự tiềm năng.
(Theo VnExpress)
Kiev tuyên bố bắn hạ hơn 300 máy bay không người lái được Nga sử dụng để tấn công các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine.
Tại tang lễ một nạn nhân súng đạn ở Pennsylvania (Mỹ) xảy ra thêm một vụ nổ súng khiến 6 người bị thương, trong đó có một người nguy kịch.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo, một công ty Mỹ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 28/10 cho biết, nước này đã hoàn thành sắc lệnh động viên một phần với việc huy động 300.000 quân nhân dự bị.