Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 diễn ra trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Lạm phát trong tháng 9 là 8,2%, giảm nhẹ từ mức kỷ lục 9% được ghi nhận trong tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 1981. Chỉ số giá tiêu dùng của tháng 10 sẽ được công bố ngày 10/11 tới. Giá cả tăng đã khiến nhiều người dân Mỹ bất an khi phải chi tiêu nhiều hơn cho xăng, các đồ dùng thiết yếu và thực phẩm.
Lạm phát không được chú ý nhiều cách đây 2 năm
Lạm phát không phải là mối quan ngại lớn ở thời kỳ đầu của chính quyền Tổng thống Biden mặc dù đại dịch Covid-19 khiến giá cả một số mặt hàng gia tăng nhưng chi phí cho cuộc sống không tăng quá 2% mỗi năm.
Chính quyền Tổng thống Biden quan tâm nhiều hơn tới việc làm khi lo ngại về quá trình phục hồi chậm của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 01/2021 là 6,4%, giảm từ gần 15% trong những tháng đầu của đại dịch. Tuy nhiên, với số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng, nền kinh tế đã mất 115 nghìn việc làm ngay trong tháng Tổng thống Biden nhậm chức.
Các nghị sỹ Dân chủ đã nhanh chóng thông qua dự luật giảm nhẹ kinh tế trị giá 1.900 tỷ đô la bao gồm khoản hỗ trợ trực tiếp 1.400 đô la cho hầu hết người trưởng thành ở Mỹ cùng với hỗ trợ thất nghiệp và miễn thuế cho các gia đình có trẻ em. Đây là một thành công trên phương diện kích thích nền kinh tế và hơn 10 triệu việc làm mới đã được tạo ra kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa cáo buộc rằng dự luật này, được thông qua mà không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, đã khiến giá cả tiếp tục gia tăng. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Rick Scott thuộc bang Florida cho rằng lạm phát được tạo ra bởi cách chi tiêu bất cẩn của đảng Dân chủ.
Lạm phát là vấn đề toàn cầu
Các yếu tố góp phần dẫn tới lạm phát cao bao gồm tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine. Lạm phát ở khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh thậm chí còn cao hơn ở Mỹ, phần lớn do chi phí năng lượng gia tăng do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, một số nghị sỹ uy tín của đảng Dân chủ cũng thừa nhận rằng gói cứu trợ năm 2021 góp phần đáng kể khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và đẩy giá cả lên cao. Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers từng cảnh báo các nghị sỹ Dân chủ về điều này và cho rằng rất khó có thể khắc phục hậu quả.
Phản ứng của Cục dự trữ liên bang (FED)
Trong phần lớn thời gian của năm ngoái, FED tin rằng giá cả sẽ tự giảm dần khi chuỗi cung ứng vốn bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 được khôi phục. Tuy nhiên, lạm phát tiếp tục tăng cao hơn và kéo dài hơn là ngân hàng trung ương dự kiến. Từ mùa Xuân năm nay, FED bắt đầu nâng lãi suất cơ bản trong nỗ lực giảm nhu cầu và kiểm soát giá cả.
Kể từ tháng 3, FED đã nâng lãi suất cơ bản 6 lần và Chủ tịch FED Jerome Powell tuần trước còn cảnh báo rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng thậm chí còn cao hơn trong năm tới mặc dù là mức tăng có thể sẽ thấp hơn.
Các biện pháp của FED cùng với các động thái tương tự của các ngân hàng trung ương khác đã khiến nền kinh tế thế giới đối diện với nguy cơ suy giảm.
Lợi thế của đảng Cộng hòa
Gần một nửa số người được khảo sát bởi NPR cho biết đảng Cộng hòa sẽ làm tốt hơn trong việc kiểm soát lạm phát so với 27% cho rằng các biện pháp của đảng Dân chủ sẽ hiệu quả hơn. Trong khi đảng Cộng hòa tập trung khai thác việc cử tri thất vọng với giá cả gia tăng, đảng này cũng chỉ đưa ra được một vài giải pháp cụ thể nhằm giảm lạm phát. Khi được hỏi về chiến lược của đảng Cộng hòa, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Rick Scott thuộc bang Florida cho rằng việc giảm chi tiêu và tăng sản xuất năng lượng trong nước sẽ là giải pháp hữu hiệu.
Giá xăng là một trong những biểu tượng lớn của lạm phát và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden dường như đều giảm mỗi khi giá xăng tăng. Giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ đạt mức kỷ lục 5,01 USD/gallon hồi tháng 6 khi các biện pháp trừng phạt Nga đã khiến giá dầu thô trên thế giới tăng cao. Giá xăng trung bình ở Mỹ hiện đã giảm xuống mức 3,80 USD/gallon.
(Theo VOV)