Trong bài phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, do đại dịch COVID-19, sự phục hồi của kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, các vấn đề lạm phát, an ninh lương thực và năng lượng trở nên phức tạp nghiêm trọng.
Theo ông, trong vài thập kỷ qua, hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, tạo nên "Kỳ tích châu Á - Thái Bình Dương” thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Giờ đây, thế giới một lần nữa đứng trước ngã tư lịch sử, châu Á - Thái Bình Dương ngày càng có vị thế quan trọng hơn và vai trò nổi bật hơn.
Ông đưa ra kiến nghị 4 điểm nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong châu Á - Thái Bình Dương, đó là bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và ổn định; kiên trì cởi mở và bao trùm, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng chung; kiên trì phát triển xanh và các-bon thấp, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương sạch sẽ và tươi đẹp; kiên trì chia sẻ vận mệnh chung, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương tương trợ lẫn nhau.
Ông cũng cho biết, "trong năm tới, Trung Quốc sẽ xem xét tổ chức Diễn đàn cao cấp hợp tác quốc tế 'Vành đai và Con đường' lần thứ ba, nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.”
"Vành đai và Con đường” là sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013. Tháng 5/2017 và tháng 4/2019, Diễn đàn cao cấp hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường” lần thứ nhất và lần thứ hai đã được tổ chức tại Bắc Kinh, thu hút được sự tham dự của các nhà lãnh đạo và quan chức đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sau đó, diễn đàn này đã bị gián đoạn vì đại dịch. Gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, ngay cả khi dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước với việc tăng thêm hàng nghìn trường hợp dương tính mỗi ngày. Riêng trong ngày 17/11, Trung Quốc đã báo cáo 23.132 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia vừa công bố ngày 18/11.
Nhiều nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ mở cửa đáng kể hơn nữa từ tháng 3 hoặc tháng 4/2023 sau "Lưỡng hội”, tức hai kỳ họp Chính hiệp (tức Mặt trận) và Nhân đại (tức Quốc hội). Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên diễn đàn này được tổ chức kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo số liệu do Trung Quốc công bố, tính đến cuối tháng 5/2022, Trung Quốc đã ký hơn 200 văn kiện hợp tác về Sáng kiến "Vành đai và Con đường” với 150 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế.
(Theo Kinh tế đô thị)