Cả Seoul và Tokyo đều kỳ vọng sự kiện này đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ hai nước, gác lại xung đột quá khứ để tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh.
Tín hiệu lạc quan
Chuyến thăm diễn ra sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí phương án hóa giải vấn đề lao động cưỡng bức. Hai bên xem đây là tiền đề cho việc nối lại quan hệ thương mại và tăng cường hợp tác trong môi trường an ninh ngày càng phức tạp hơn khi họ chia sẻ mối lo về tình hình Triều Tiên và tầm ảnh hưởng kinh tế - quân sự của Trung Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã nhất trí tháo gỡ tranh chấp thương mại về vật liệu bán dẫn để sản xuất chip điện tử. Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết sẽ rút lại đơn khiếu nại Nhật Bản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi Tokyo thông báo gỡ lệnh cấm xuất khẩu vật liệu công nghệ cao tới Hàn Quốc.
Đây là thông tin lạc quan cho hợp tác kinh tế hai nước. Bất chấp căng thẳng kéo dài, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại lớn thứ tư của nhau. Số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy trong năm 2021, Nhật Bản xuất khẩu 52 tỉ USD hàng hóa sang Hàn Quốc, trong khi chiều ngược lại là 30 tỉ USD.
Việc giải quyết tranh chấp thương mại này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất chip đang là chủ đề nóng về địa chính trị. Chip điện tử, đặc biệt vật liệu bán dẫn, được xem đóng vai trò then chốt cho cuộc cạnh tranh công nghệ, hoặc xa hơn nữa là cạnh tranh chiến lược, giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nước bắt đầu nhạy cảm hơn với vật liệu bán dẫn sau khi chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và tình hình địa chính trị.
"Cuộc gặp hôm nay với Thủ tướng Kishida có ý nghĩa đặc biệt trong việc giúp người dân hai nước chúng tôi hiểu rằng quan hệ Hàn - Nhật, vốn đã trải qua những giai đoạn khó khăn vì nhiều vấn đề tồn đọng, đang ở điểm xuất phát mới", Reuters dẫn lời tổng thống Hàn Quốc nói sau cuộc gặp thủ tướng Nhật.
Thử thách phía trước
Giới quan sát đa phần nhận định tình hình an ninh là động cơ lớn nhất khiến Hàn Quốc và Nhật Bản quyết tâm làm ấm lại quan hệ. Như thể "chứng minh" cho nhận định này, hôm 16-3 Nhật Bản và Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo mà phía Tokyo nhấn mạnh nhiều khả năng là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Theo bà Sue Mi Terry - giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm nghiên cứu Wilson (Mỹ), với nghi vấn về việc Triều Tiên sắp có vụ thử hạt nhân thứ bảy, cộng thêm yếu tố Trung Quốc, cả Hàn và Nhật đều hiểu việc nối lại quan hệ là đúng đắn trong một môi trường hợp tác chín muồi ở khu vực.
"Họ đang bình thường hóa việc chia sẻ thông tin tình báo, giờ đây lãnh đạo của họ gặp mặt trực tiếp. Thách thức thực sự hiện nay là công chúng Hàn Quốc. Tổng thống Yoon phải có sự ủng hộ từ công chúng. Ít nhất ông Yoon còn thêm bốn năm nữa, vì vậy tôi thực sự hy vọng quan hệ Hàn - Nhật sẽ cải thiện", bà Terry, vị chuyên gia về an ninh Triều Tiên, cho biết.
Phân tích của bà Terry phản ánh thực tế hiện nay ông Yoon đang đối mặt với nhiều ý kiến chỉ trích từ dư luận trong nước. Kế hoạch hòa giải của ông có phần nhượng bộ khi sử dụng tiền đóng góp từ công ty Hàn Quốc thay vì Nhật Bản.
Theo ông Kunihiko Miyake - giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Ritsumeikan (Kyoto, Nhật Bản), "90% quan hệ Nhật - Hàn là chính trị trong nước" và hiện tại chưa ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra dù tình hình có phần lạc quan hơn.
Hôm 16-3, ông Yoon dùng bữa tối cùng ông Kishida. Báo chí tiết lộ ông Yoon sẽ ăn món omurice, món cơm trứng kiểu Nhật mà bản thân tổng thống Hàn Quốc rất thích. Đó là một trong những chi tiết mang tính biểu tượng để kéo hai nước gần nhau hơn về văn hóa, cho một tiến trình hòa giải lâu dài thay vì chỉ là lợi ích an ninh trước mắt.
Hôm nay 17-3, ông Yoon sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài thảo luận về kinh tế và thương mại song phương, rất có thể đây cũng là lúc các bên nhất trí về khoản đóng góp "tự nguyện" dùng để bồi thường nạn nhân Hàn Quốc. Đây là phương án giúp giải tỏa áp lực và giữ thể diện cho cả hai bên.
Bất đồng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản
Trong 35 năm đô hộ bán đảo Triều Tiên từ 1910 - 1945, người Nhật đã ép gần 750.000 người Hàn Quốc làm việc cho các công ty Nhật. Ngoài ra, khoảng 200.000 phụ nữ Hàn Quốc cũng bị đưa vào nhà thổ để "mua vui".
Vết thương từ quá khứ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Nhật - Hàn khi hai bên chưa tìm thấy tiếng nói chung. Phía Hàn Quốc muốn công ty Nhật Bản trực tiếp bồi thường cho nạn nhân kèm theo một lời xin lỗi chân thành từ Chính phủ Nhật. Trong khi đó, người Nhật không đồng ý vì cho rằng họ đã giải quyết xong xuôi mọi thứ sau thỏa thuận bình thường hóa quan hệ năm 1965.
(Theo TTO)