Sau bế mạc, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chủ trì cuộc họp báo, thông báo kết quả của Hội nghị. Trong phiên thảo luận cuối với chủ đề Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và phồn vinh, Tổng thống Ukraine Zelensky đã phát biểu và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong bối cảnh nước này đang bị ảnh hưởng do cuộc xung đột với Nga.
Lãnh đạo các nước G7 cam kết sẽ xem xét việc tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự đối với Ukraine. Đây cũng là thông tin được dư luận trong và ngoài Nhật Bản hết sức chú ý, nhất là giới truyền thông các nước tham dự Hội nghị G7.
Phát biểu trong buổi họp báo thông báo kết quả Hội nghị, Thủ tướng Kishida Fumio đã nhấn mạnh đặc biệt tới ý nghĩa quan trọng của các vấn đề mà các nhà lãnh đạo G7 đã thống nhất, vai trò chủ đạo của G7 trong các vấn đề quốc tế.
Trước đó, Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung nhấn mạnh đến lập trường của các nước là tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nỗ lực thực hiện thế giới không vũ khí hạt nhân.
Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, Tuyên bố nêu rõ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga, tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Liên quan đến Trung Quốc, Tuyên bố bày tỏ sự lo ngại sâu sắc đối với tình hình của khu vực Biển Đông và Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng nói chung bằng bạo lực và uy hiếp, đồng thời xác nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.
Trong nội dung về cấm sử dụng vũ khí hạt nhân, tuyên bố nhấn mạnh những nỗ lực của các bên nhằm thực hiện một thế giới không hạt nhân.
Liên quan đến kinh tế thế giới, các nhà lãnh đạo G7 thống nhất tập trung chú ý tới sự biến đổi của nền tài chính thế giới, đưa ra biện pháp thích hợp để duy trì ổn định hệ thống tài chính.
An ninh kinh tế được nhấn mạnh nổi bật trong tuyên bố. Trong bối cảnh xu hướng một số nước sử dụng đe dọa kinh tế gây ảnh hưởng tới quyết định chính sách kinh tế của các nước khác thông qua nhiều hình thức bao gồm cấm nhập khẩu đang gia tăng, nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác trong các thành viên G7 nhằm đối phó với xu hướng trên là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, nguy cơ lương thực và chính sách cụ thể hỗ trợ các nước đang phát triển và mới nổi, "tiến trình AI Hiroshima”...cũng đã được lãnh đaọ G7 đặc biệt quan tâm.
Tại Hiroshima, các biện pháp hạn chế liên quan đến giao thông, dịch vụ…vẫn được duy trì và sẽ được dỡ bỏ vào ngày mai. Theo ghi nhận của phóng viên thường trú tại Nhật Bản thì trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, an ninh đã được đảm bảo tuyệt đối, sinh hoạt của người dân và khách du lịch quốc tế không quá bị ảnh hưởng mà chỉ bị ảnh hưởng vào những khung giờ qui định. Tuy nhiên, khu vực Công viên Hòa bình và khu vực nơi diễn ra hội nghị bị cấm hoàn toàn do các hoạt động thường xuyên xảy ra tại đây.
Người dân Hiroshima cho rằng, họ đã rất tự hào khi hội nghị được tổ chức tại đây và hy vọng khách quốc tế hài lòng về sự đón tiếp của người dân Nhật Bản.
(Theo VOV)