Viết trên tài khoản mạng xã hội chính thức của mình, ông Medvedev nói rằng Nga sẽ buộc phải từ bỏ học thuyết về vũ khí hạt nhân của mình trong bối cảnh đó.
"Hãy tưởng tượng nếu chiến dịch phản công của Ukraine do NATO hậu thuẫn thành công và chia cắt một phần lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân theo các quy tắc của một sắc lệnh từ Tổng thống Nga" - Reuters dẫn tuyên bố của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra hôm 30/7.
Cựu Tổng thống Nga lưu ý thêm: "Đơn giản là chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, đối phương nên cầu nguyện cho các chiến binh của chúng tôi. Họ đang đảm bảo rằng ngọn lửa hạt nhân toàn cầu không bị đốt cháy".
Cựu Tổng thống Nga dường như đề cập đến một phần học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó quy định trường hợp nước này sử dụng vũ khí hạt nhân. Trước đó, ông Medvedev nhiều lần đề cập tới học thuyết này.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga có một học thuyết quân sự, trong đó quy định những trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo an ninh của người dân Nga.
Giới chức Nga từng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của nước này và các vùng lãnh thổ sáp nhập bằng mọi biện pháp có thể, kể cả vũ khí hạt nhân.
Nga hiện sở hữu kho dự trữ vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới. Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công.
Ukraine đang phát động chiến dịch phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát tại nước này. Nga cuối năm ngoái sáp nhập 4 tỉnh Ukraine Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson dù chưa hoàn toàn kiểm soát bất cứ vùng nào trong số này. Kiev không công nhận động thái của Moscow, khẳng định họ sẽ đẩy lùi lực lượng Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/7 cho hay không có thay đổi chiến trường nghiêm trọng nào được báo cáo trong những ngày gần đây và Ukraine đã mất một lượng lớn thiết bị quân sự kể từ ngày 4/6, thời điểm Kiev phát động cuộc phản công.
Trong khi đó, Ukraine nói rằng lực lượng của họ đã đạt được một số tiến bộ trong nỗ lực giành lại lãnh thổ, mặc dù với tốc độ chậm hơn kỳ vọng.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Putin ngày 30/7 cho biết Nga không thể tuân thủ điều khoản ngừng bắn theo Sáng kiến Hòa bình Châu Phi vì Ukraine đang tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng nhắc lại rằng Moscow chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev. "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine. Tuy nhiên, lãnh đạo Ukraine đã ban bố một sắc lệnh cấm đàm phán với Nga” - Tổng thống Nga cho hay.
Nga sẽ có thêm 30 tàu chiến
Hãng Tass ngày 30/7 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin khi dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga (30/7) tại thành phố St. Petersburg cho hay lực lượng này sẽ tiếp nhận 30 tàu chiến thuộc các lớp khác nhau ngay trong năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga (30/7) tại thành phố St. Petersburg.
"Ngày nay, Nga tự tin thực hiện các mục tiêu quy mô lớn trong chính sách hàng hải quốc gia và kiên trì xây dựng sức mạnh hải quân. Chỉ riêng trong năm nay, 30 tàu chiến các loại sẽ tham gia lực lượng này,” ông cho biết.
Các tàu chiến đấu đã gia nhập Hải quân Nga bao gồm tàu hộ tống tên lửa Merkury, được đặt tên để vinh danh con tàu của Hạm đội biển Đen đã giành được vinh quang trong Chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ 1828-1829.
Năm nay, lễ kỷ niệm tại St. Petersburgh diễn ra với sự tham gia của 45 tàu chiến, tàu pháo và tàu ngầm thuộc các hạm đội Phương Bắc, Thái Bình Dương, biển Baltic và biển Đen của Hải quân Nga, bên cạnh khoảng 3.000 binh sĩ.
(Theo Kinh tế đô thị)