Khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị quân đội quản thúc tại dinh thự ở Niamey, các cuộc tuần hành ủng hộ đảo chính diễn ra rầm rộ ở thủ đô và nhiều khu vực khác của Niger. Đám đông hô vang "Putin muôn năm", "đả đảo Pháp" khi đập phá cổng đại sứ quán Pháp ở Niamey.
Những hình ảnh này đã gây chấn động tại Điện Elysee cách đó hàng nghìn km. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đe dọa trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào công dân Pháp và lên án cuộc đảo chính là "hoàn toàn bất hợp pháp và nguy hiểm" cho cả Niger và toàn khu vực.
Mỹ và các nước phương Tây cũng chỉ trích cuộc đảo chính, trong khi Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia châu Phi (ECOWAS) cảnh báo can thiệp quân sự nếu ông Bazoum không được khôi phục quyền lực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Bazoum, nói rằng Washington "sát cánh cùng người dân Niger" khi nước này đối mặt thách thức nghiêm trọng với nền dân chủ.
Đảo chính ở Niger chỉ là vụ mới nhất trong loạt cuộc chính biến gần đây ở châu Phi. Các chính quyền quân sự đã lên nắm quyền ở 5 quốc gia Tây và Trung Phi trong ba năm qua và những nước này đều từng là thuộc địa của Pháp.
Cuộc đảo chính Niger đã khiến phương Tây, đặc biệt là Pháp và Mỹ, mất đi một đồng minh quan trọng trong khu vực vốn nhiều bất ổn. Là quốc gia lớn nhất Tây Phi, Niger được coi là đối tác quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống các nhóm Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel, vành đai nằm ở phía nam sa mạc Sahara.
Mỹ triển khai khoảng 1.100 lính đồn trú ở Niger, cũng như thiết lập một căn cứ máy bay không người lái hỗ trợ quân đội Niger chống các nhóm nổi dậy liên kết với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda.
Quân đội Pháp cũng duy trì hai căn cứ thường trực ở vùng Sahel, trong đó một tại thủ đô Niamey. Đây là căn cứ chính cho Chiến dịch Barkhane, sáng kiến chống khủng bố của Pháp nhắm vào lực lượng nổi dậy trên khắp Sahel, gồm cả ở Burkina Faso.
Số vụ bạo lực liên quan tới các nhóm Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel đã tăng mạnh kể từ năm 2021, theo báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi của Lầu Năm Góc công bố ngày 31/7.
Niger cũng là nguồn cung uranium hàng đầu cho Liên minh châu Âu và chiếm khoảng 5% nguồn cung toàn cầu, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.
Dù giàu tài nguyên, Niger vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhiều người Niger, đặc biệt là thế hệ trẻ, cho rằng chính sách khai thác và áp đặt ảnh hưởng của Pháp với cựu thuộc địa đã gây ra tình trạng nghèo đói của quốc gia Tây Phi này.
"Chúng tôi muốn nói với ông Macron rằng Niger thuộc về chúng tôi. Chúng tôi có thể làm gì mình muốn với đất nước này và đối phó với bất kỳ ai chúng tôi muốn", Maman Sani, người biểu tình ủng hộ đảo chính, nói.
Làn sóng chống Pháp đã lan rộng trên khắp thuộc địa cũ của Pháp ở Tây và Trung Phi, theo Oluwole Ojewale, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) ở Nam Phi.
"Có cảm giác rằng dù đã giành độc lập, các nước này vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ Pháp", Ojewale nói.
Trong nhiều thập kỷ, Pháp duy trì hiện diện ở nhiều quốc gia châu Phi từng là thuộc địa của họ trong mối quan hệ đặc biệt thường được gọi là Francafrique. Chính sách này thường bị chỉ trích là duy trì hoạt động thuộc địa kiểu mới, theo Stephanie Busari, nhà phân tích của CNN.
Đồng tiền franc Trung Phi (CFA) gây rất nhiều tranh cãi khi trở thành tiền tệ sử dụng ở 14 quốc gia Tây và Trung Phi, trong đó có Niger. Các quốc gia sử dụng CFA được yêu cầu cất trữ 50% nguồn dự trữ của họ tại Ngân hàng Trung ương Pháp. Trong khi Paris khẳng định hệ thống này thúc đẩy ổn định kinh tế, nhiều người nói rằng nó cho phép Pháp kiểm soát nền kinh tế của những nước sử dụng đồng CFA.
Đảo chính ở Niger diễn ra trong bối cảnh Nga và phương Tây đang cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt ở châu Phi, nơi giới chuyên gia nói rằng làn sóng phẫn nộ gia tăng ở những nước thuộc địa cũ của Pháp đã để ngỏ cánh cửa cho Moskva. Dù không có dấu hiệu nào cho thấy Nga kích động đảo chính ở Niger, Moskva đã tìm cách tận dụng tâm lý chống phương Tây ở khu vực trong những năm gần đây.
"Kể từ khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã tăng cường nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng và Moskva gần như trở lại là một thế lực địa chính trị tại châu Phi. Điều đó khiến các cơ quan tình báo phương Tây lo lắng", Remi Adekoya, nhà nghiên cứu về chính trị tại Đại học York ở Anh, nói.
Tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner được xem là ví dụ về cách Nga duy trì và phát triển ảnh hưởng ở châu Phi.
Quan chức Mỹ cảnh báo Wagner có thể tìm cách tận dụng cuộc khủng hoảng ở Niger để tăng cường hoạt động tại châu Phi. Ông trùm Yevgeny Prigozhin ủng hộ cuộc đảo chính và đề nghị giúp đỡ lãnh đạo mới của đất nước.
"Những gì xảy ra ở Niger đã âm ỉ trong nhiều năm. Những kẻ thực dân cũ đang cố kiểm soát người dân châu Phi bằng cách biến những quốc gia này thành nơi đầy rẫy khủng bố. Điều đó tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh khổng lồ", Prigozhin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo châu Phi ở St. Petersburg. Tại đây, ông lên án chủ nghĩa thực dân phương Tây và trao cho châu Phi nhiều khoản hỗ trợ, như giảm nợ cho Somalia, thiết lập phòng thí nghiệm y tế lưu động cho Uganda, tặng trực thăng tổng thống cho lãnh đạo Zimbabwe, cũng như hứa tặng ngũ cốc miễn phí cho 6 nước châu Phi.
Một trong những quốc gia nhận được hỗ trợ từ Nga là Burkina Faso, nơi đại úy Ibrahim Traore tiến hành cuộc đảo chính để lên nắm quyền vào tháng 10 năm ngoái. Kể từ đó, quốc gia này đã hoàn toàn quay lưng với Pháp.
Lãnh đạo 34 tuổi của Burkina Faso là nguyên thủ quốc gia trẻ nhất châu Phi và là một trong nhiều lãnh đạo chính quyền quân sự tại hội nghị thượng đỉnh ở St. Petersburg, trong đó ông cam kết "ủng hộ và duy trì tình hữu nghị" của nước này với Nga.
"Chúng tôi muốn muốn một thế giới đa cực và sự thay đổi hoàn toàn về đối tác", Traore nói.
(Theo VnExpress)