ECOWAS đã đặt lực lượng dự phòng của mình ở trạng thái sẵn sàng can thiệp để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger. Chủ tịch Ủy ban ECOWAS, ông Omar Alieu Touray, đã đọc nghị quyết về cuộc đảo chính ở Niger tại cuộc họp bất thường ngày 10-8 của ECOWAS ở Abuja, trong đó có chỉ đạo: "Tổng tham mưu trưởng quốc phòng kích hoạt ngay lập tức tất cả các bộ phận trong lực lượng dự phòng ECOWAS". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Tiếp tục cam kết khôi phục trật tự hiến pháp thông qua các biện pháp hòa bình".
Phát ngôn bất thường của Bờ Biển Ngà
Những tưởng nghị quyết đó có thể "chừa cửa" cho hòa giải, nhưng thông tin từ tổng thống Bờ Biển Ngà lại khiến nhiều người lo lắng. Sau phát ngôn của chủ tịch Ủy ban ECOWAS, ông Alassane Ouattara lại tuyên bố Bờ Biển Ngà sẽ điều từ 850 - 1.100 binh sĩ cho lực lượng hỗn hợp của ECOWAS mà đến nay đã có Nigeria và Benin xác nhận cung ứng quân. Một số nước khác trong tổ chức cũng sẽ điều quân, theo Tổng thống Ouattara. Chưa hết, vị lãnh đạo Bờ Biển Ngà khẳng định việc can thiệp quân sự "sẽ diễn ra trong thời gian ngắn sắp tới".
Sau những tuyên bố của cả ECOWAS lẫn Bờ Biển Ngà, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết "ủng hộ hoàn toàn" mọi kết luận của ECOWAS và sẽ nghiên cứu các yêu cầu hỗ trợ quân sự của tổ chức này. Pháp hiện có 1.500 binh sĩ đang trú đóng tại thủ đô Niamey của Niger cho cuộc chiến chống khủng bố theo yêu cầu của chính quyền Niger bị lật đổ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington cũng ủng hộ ECOWAS nhưng cho rằng không nhất thiết phải can thiệp quân sự từ ngoài vào. Hiện Mỹ cũng có 1.000 quân tại Niamey.
Nga thì phản đối việc can thiệp quân sự của ECOWAS. Ông Alexey Zaytsev, vụ phó Vụ Thông tin và báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 9-8 rằng sự can thiệp quân sự của ECOWAS vào Niger khó có thể góp phần đạt được hòa bình lâu dài ở Niger nói riêng và sự ổn định tình hình trong toàn tiểu vùng này nói chung.
AU ủng hộ quyết định của ECOWAS
Ngày 11-8, Liên minh châu Phi (AU) khẳng định sự ủng hộ đối với các quyết định của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) trong vấn đề Niger, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình của Tổng thống Mohamed Bazoum và kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp hỗ trợ.
Trước đó, Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi quân đội Niger lập tức trả tự do vô điều kiện và phục chức cho Tổng thống Bazoum, sau khi có thông tin ông và gia đình đã bị giam lỏng trong Dinh thự tổng thống mà không có thực phẩm bổ sung, không có điện hay nước sử dụng trong nhiều ngày.
Niger cũng cứng rắn
Cuộc đảo chính hôm 26-7 ở Niger làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu khủng hoảng tại Niger trầm trọng hơn.
Cho đến nay giới lãnh đạo đảo chính ở Niger chưa sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán do cộng đồng quốc tế thúc đẩy. Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng cận vệ của tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi trong giai đoạn chuyển tiếp và cảnh báo mọi sự can thiệp quân sự của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Thậm chí vào đêm 9-8, tức ngay trước ngày ECOWAS nhóm họp, chính quyền quân sự Niger đã công bố "danh sách 21 bộ trưởng" và thúc đẩy chương trình nghị sự của nội các do quân đội đứng đầu.
Thậm chí có thông tin chính quyền quân sự Niger đã nói sẽ giết tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum nếu các nước láng giềng can thiệp quân sự. Tổng thống Bazoum hiện đang bị lực lượng đảo chính quân sự giam giữ tại dinh tổng thống.
5 nguyên nhân dẫn đến đảo chính tại Niger
Đất nước Niger với khoảng 25 triệu dân, trong đó có hơn 10 triệu người (41%) đang sống cảnh nghèo đói cùng cực, cũng là nước đứng thứ 7 trong số các nước nghèo nhất thế giới.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhưng người dân không được hưởng gì nhiều lại còn bị khủng bố bao vây. Cuộc đảo chính ngày 26-7 của tướng Abdourahamane Tchiani đã hé lộ cho thế giới nhiều nguyên nhân gây bất ổn của Niger.
1. Quốc gia khô cằn và nghèo khổ. Nằm ở sa mạc Sahara và liên tục bị sa mạc hóa, hạn hán và mất mùa đẩy người dân Niger vào tình thế đói nghèo phải nhận viện trợ lương thực.
2. Liên tục bị khủng bố hoành hành. Từ tháng 1-2020 đến tháng 8-2022 đã xảy ra ít nhất 13 vụ khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan làm hàng ngàn người chết.
3. Các nước láng giềng liên tục đảo chính. Cuộc đảo chính ở Niger là lần thứ 6 trong vòng 3 năm sau các vụ việc tương tự tại Sudan, Mali, Guinea, Burkina Faso và Chad.
4. Chia rẽ trong khối Tây Phi. Trong khi đa số các nước trong khối này muốn "lập lại trật tự hiến pháp" để khôi phục tổng thống bị lật đổ Bazoum thì Mali, Burkina Faso, Guinea lại hậu thuẫn và ủng hộ phe đảo chính.
5. Giàu tài nguyên. Là nước xuất khẩu uranium nhiều thứ 7 trên thế giới và sở hữu một mỏ dầu với trữ lượng rất lớn ở phía bắc, dễ hiểu vì sao các nước lớn đều thèm khát Niger.
(Theo TTO)