Ông Hun Sen đề nghị có luật trừng phạt những người phủ nhận chế độ diệt chủng ở Campuchia

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2024 | 3:16:49 PM

Chủ tịch Thượng viện Hun Sen vừa đề nghị có luật trừng phạt những người phủ nhận chế độ diệt chủng tại Campuchia.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Theo báo Khmer Times, đề nghị được ông Hun Sen đưa ra tại lễ bế mạc hội nghị "Tương lai Campuchia không có nạn diệt chủng", được tổ chức tại Bộ tư lệnh Lục quân Campuchia sáng 22-5 ở Phnom Penh.

Tòa nhà bộ tư lệnh cũng là nơi đặt văn phòng hành chính của tòa án xét xử các cựu lãnh đạo chế độ Khmer Đỏ.

"Tôi muốn hỏi tất cả các nhà lập pháp liệu chúng ta có thể đưa luật vào Campuchia hay không, để bất cứ ai nói rằng Campuchia không có nạn diệt chủng đều sẽ bị trừng phạt", chủ tịch Thượng viện Campuchia nêu vấn đề.

Ông Hun Sen, người cũng từng là thủ tướng Campuchia, nhấn mạnh không chỉ giới hạn trong việc phủ nhận, mà bất kỳ biểu hiện nào ủng hộ hành vi diệt chủng đều phải bị trừng phạt.

Trước đó, hôm 20-5, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng tham dự hội nghị "Tương lai Campuchia không có nạn diệt chủng". Ông nhấn mạnh vai trò giáo dục cho các thế hệ tương lai của Campuchia hiểu về giai đoạn khó khăn của đất nước.

Năm nay, Campuchia đánh dấu 45 năm Ngày lật đổ Khmer Đỏ (1979 - 2024). Trong hơn 3 năm cầm quyền kể từ năm 1975, chế độ diệt chủng do Pol Pot - Ieng Sary đứng đầu đã giết hại hơn 3 triệu người dân vô tội.

Trong bộ phim tài liệu lịch sử với tựa đề "Hành trình cứu nước", ông Hun Sen từng chia sẻ khi ấy ông và nhiều người Campuchia yêu nước xem Việt Nam là nơi duy nhất có thể dang tay giúp đỡ. Bởi Việt Nam là nước láng giềng từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập.

Với tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng và giúp bạn cũng là giúp mình sau khi nhận được lời đề nghị từ Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, hàng vạn chiến sĩ, sĩ quan Quân tình nguyện Việt Nam đã lên đường sang nước bạn.

Sự hỗ trợ quan trọng này đã giúp Campuchia đánh bại Khmer Đỏ vào ngày 7-1-1979, đưa đất nước này thoát khỏi nạn diệt chủng.

Theo đề nghị của Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại cùng lực lượng vũ trang Campuchia sau ngày 7-1-1979 để truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng và giúp bạn hồi sinh đất nước từ đống tro tàn.

Đến cuối tháng 6-1989, theo thỏa thuận giữa hai bên, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.

(Theo TTO)

Các tin khác
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc phỏng vấn độc quyền với New York Times hôm 20/5.

Tổng thống Zelensky cho rằng NATO nên tham gia xung đột với vai trò lực lượng phòng thủ, điều này cho phép quân đội Ukraine có thể nguồn lực trên tiền tuyến.

Iliana Rupert là một trong số những người cầm đuốc trên thảm đỏ của Cannes.

Trên thảm đỏ Cannes, tuyển thủ bóng rổ Iliana Rupert là một trong số những người cầm đuốc, di chuyển trong giai điệu của những ca khúc nổi tiếng trong các bộ phim về thể thao như “Chariots of Fire.”

Xe chở hàng viện trợ di chuyển trên tuyến đường ở miền Trung Dải Gaza ngày 21/5.

Liên hợp quốc lên kế hoạch lập các tuyến đường mới trong Dải Gaza để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo từ cầu tàu do Mỹ lắp ghép nổi trên biển ngoài khơi Gaza.

Hình ảnh do đài truyền hình nhà nước Iran IRINN phát ngày 19/5/2024: Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trên trực thăng trước khi gặp sự cố ở tỉnh Đông Azerbaijan, phía Tây Bắc Iran. (Ảnh tư liệu)

Ngày 21/5, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel tuyên bố quốc tang tưởng niệm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người vừa tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục