Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland hôm 28/5 đã trở thành những quốc gia mới nhất công nhận nhà nước Palestine, phá vỡ quan điểm lâu nay của các cường quốc phương Tây rằng người Palestine chỉ có thể giành được tư cách nhà nước như một phần của nền hòa bình được đàm phán với Israel.
Với động thái trên, tổng cộng đã có 145 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc công nhận nhà nước Palestine, bao gồm nhiều nước Trung Đông, châu Phi và châu Á, nhưng không có sự tham gia của Mỹ, Canada, hầu hết các nước Tây Âu, Australia, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Vào tháng 4, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm ngăn chặn nỗ lực của Palestine để trở thành một quốc gia thành viên đầy đủ của tổ chức lớn nhất hành tin này.
Dưới đây là bản tóm tắt về quá trình tìm kiếm tư cách nhà nước của người dân Palestine:
Năm 1988: Chủ tịch Arafat tuyên bố thành lập nhà nước Palestine
Vào ngày 15/11/1988, trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine được đặt tên là Intifada, nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat đã đơn phương tuyên bố thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Jerusalem là thủ đô.
Ông đưa ra thông báo này tại Algiers trong một cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Palestine lưu vong - nơi đã thông qua giải pháp hai nhà nước làm mục tiêu, trong đó các quốc gia Israel và Palestine độc lập tồn tại cạnh nhau.
Vài phút sau, Algeria trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận nhà nước Palestine độc lập.
Trong vòng vài tuần, hàng chục quốc gia khác - bao gồm phần lớn thế giới Arab, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết châu Phi và một số quốc gia Trung và Đông Âu công nhận nhà nước Palestine.
Làn sóng công nhận nhà nước Palestine tiếp theo diễn ra vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011, vào thời điểm khủng hoảng trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
Các quốc gia Nam Mỹ bao gồm Argentina, Brazil và Chile đã đáp lại lời kêu gọi của người Palestine ủng hộ lời kêu gọi thành lập nhà nước của họ.
Điều này được đưa ra nhằm đáp trả quyết định của Israel chấm dứt lệnh cấm tạm thời đối với việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Từ năm 2011 đến năm 2012: Liên hợp quốc công nhận nhà nước Palestine
Năm 2011, khi các cuộc đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc, người Palestine đã thúc đẩy chiến dịch đưa Nhà nước Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.
Nhiệm vụ đã thất bại nhưng trong một động thái mang tính đột phá vào ngày 31/10/2011, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã bỏ phiếu chấp nhận người Palestine là thành viên đầy đủ. Đáp lại, Israel và Mỹ đã đình chỉ tài trợ cho tổ chức này, hoàn toàn rời khỏi UNESCO vào năm 2018. Sau đó, Mỹ đã chính thức gia nhập trở lại UNESCO vào năm 2023.
Vào tháng 11/2012, lá cờ Palestine lần đầu tiên được kéo lên tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu áp đảo nâng cấp quy chế của người Palestine thành "nhà nước quan sát viên phi thành viên".
Ba năm sau, Tòa án Hình sự Quốc tế cũng chấp nhận Palestine là một quốc gia thành viên.
Năm 2014: Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên tại Tây Âu công nhận nhà nước Palestine
Năm 2014, Thụy Điển - quốc gia có cộng đồng người Palestine đông đảo - đã trở thành thành viên EU đầu tiên ở Tây Âu công nhận một nhà nước Palestine độc lập.
Năm 2024: "Cú hích" mới ở châu Âu
Theo Bộ Y tế Dải Gaza, cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza - khiến ít nhất 36.050 người thiệt mạng nhằm trả đũa việc Hamas giết hại hơn 1.170 người ở Israel - đã thúc đẩy sự ủng hộ ở châu Âu đối với việc thành lập một nhà nước Palestine.
Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland hôm 28/5 cuối cùng đã thực hiện bước đi này, trong đó Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez mô tả đây là vấn đề "công lý lịch sử".
Malta và Slovenia bày tỏ "sẵn sàng" công nhận một nhà nước Palestine khi "hoàn cảnh phù hợp". Australia cũng đã đưa ra khả năng ủng hộ quan điểm của người Palestine.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vấn đề này không còn là "điều cấm kỵ đối với Paris", đồng thời khẳng định việc này sẽ được thực hiện vào "đúng thời điểm".
(Theo VTV)