Trong cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm rưỡi, Ukraine phụ thuộc vào phần còn lại của lục địa để có được nguồn cung cấp vũ khí quan trọng và viện trợ nhân đạo.
Một kết quả không thuận lợi sau cuộc bầu cử ngày 9/6 có thể khiến tình hình của Ukraine trở nên tồi tệ hơn, khiến họ không còn đủ các phương tiện cơ bản để tiếp tục chống đỡ trước quân đội Nga.
Oleksandra Matviichuk, Chủ tịch Trung tâm Tự do Dân sự, nói với Euronews: "Thông điệp của tôi gửi tới tất cả người dân châu Âu là hãy sử dụng lá phiếu của bạn để bảo vệ nền dân chủ, sử dụng tiếng nói của bạn để từ chối những người không thể bảo vệ”.
Đối với những người như Matviichuk, các vấn đề an ninh quan trọng như Ukraine là chuyện mà những đảng phái khác nhau đều phải quan tâm, vì gắn với các giá trị dân chủ phổ quát và không nên trở thành nạn nhân của những tranh cãi về hệ tư tưởng.
"Tôi hy vọng các đảng phái ở châu Âu sẽ cùng nhau thực hiện việc hỗ trợ Ukraine. Ukraine đang đấu tranh cho dân chủ và tự do, những điều vốn là tiêu chuẩn của EU”, Matviichuk nói với Euronews.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Kiev nhanh chóng được trao vị trí ứng cử viên EU và giấc mơ từ lâu của người Ukraine rằng họ sẽ được chào đón vào đại gia đình châu Âu có vẻ nằm trong tầm tay.
Tuy nhiên, mọi thứ trở nên phức tạp sau khi chiến dịch phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái thất bại. Cuộc xung đột Israel – Hamas cũng làm giảm sự quan tâm của thế giới với Ukraine. Cho đến nay, một điều rõ ràng là cuộc xung đột sẽ không sớm có một giải pháp nhanh chóng.
Trên khắp châu Âu, nhiều tiếng nói nổi lên bày tỏ hoài nghi với việc EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Với sự trỗi dậy của phe cực hữu, trong đó một số người kêu gọi dừng chuyển vũ khí cho Kiev và không mở cánh cửa EU cho Ukraine, nhiều người lo ngại kết quả của cuộc bầu cử ngày 9/6 có thể khiến tình hình của Ukraine tồi tệ hơn.
Ngày 7/6, Ủy ban châu Âu nói với các quốc gia thành viên rằng Ukraine đã đáp ứng các tiêu chí để bắt đầu đàm phán việc trở thành thành viên. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Ukraine phải đối mặt khi EU có Nghị viện mới sẽ là phải tìm đủ sự hỗ trợ cho nỗ lực trở thành thành viên chính thức.
Lộ trình mới
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu bắt đầu từ ngày 6/9 ở Hà Lan và các quốc gia khác vào ngày 7-8/6, nhưng phần lớn người dân châu lục đi bỏ phiếu vào ngày 9/6, để chọn ra 720 thành viên của Nghị viện.
Số ghế trong Nghị viện được phân bổ dựa trên dân số, từ 6 ghế ở Malta và Luxembourg đến 96 ghế ở Đức.
Cuộc bầu cử sẽ không chỉ tác động đến Ukraine, mà sẽ định hình chính sách của EU trước sự cạnh tranh công nghiệp ngày càng gay gắt với Trung Quốc và Mỹ.
Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm thử thách lòng tin của cử tri trong liên minh của khoảng 450 triệu người. Trong 5 năm qua, EU đã bị rung chuyển bởi đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine.
Dù S&D và EPP dự kiến vẫn sẽ là 2 nhóm mạnh nhất trong Nghị viện châu Âu, nhưng nhóm thứ 3 hoặc thứ 4 có thể sẽ trở thành nhóm hoài nghi EU, tệ hơn là bài EU.
EPP đã vận động để bà Ursula von der Leyen giữ chức chủ tịch Uỷ ban châu Âu nhiệm kỳ 2, nhưng không có gì đảm bảo rằng bà sẽ có cơ hội này dù EPP giành chiến thắng. Các lãnh đạo quốc gia sẽ quyết định việc ai được đề cử, và người đó phải được nghị viện chấp thuận.
(Theo TPO)