Theo Reuters, 133 hồng y đang tổ chức các cuộc họp gần như hằng ngày để thảo luận về các vấn đề mà Giáo hội Công giáo gồm 1,4 tỷ thành viên phải đối mặt trước mật nghị. Trong quá trình bỏ phiếu, các hồng y sẽ tập trung tại một khách sạn và không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Có một số ứng viên được coi là sáng giá để kế nhiệm Giáo hoàng Francis, gồm Hồng y người Ý Pietro Parolin và Hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle. Nhưng nhiều hồng y cho biết họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc sẽ bầu cho ai.
"Danh sách của tôi đang thay đổi, và tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục thay đổi trong vài ngày tới", Hồng y người Anh Vincent Nichols, tham gia mật nghị lần đầu tiên, nói với Reuters.
Trong cuộc họp kín vào tuần này, các hồng y có thể đứng lên phát biểu để chia sẻ tầm nhìn của họ về tương lai đức tin toàn cầu.
Cũng tại mật nghị năm 2013, Hồng y người Argentina Jorge Mario Bergoglio đã có bài phát biểu, theo nhiều nguồn tin, gây ấn tượng sâu sắc với các hồng y khác. Vài ngày sau, ông được bầu làm Giáo hoàng Francis.
Hồng y Nichols, thành viên Giáo hội Anh và xứ Wales, cho biết các bài phát biểu một lần nữa sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp hình thành ý kiến về việc ai có thể là giáo hoàng tiếp theo.
Khi được hỏi liệu có ứng viên nào có nhiều khả năng trở thành giáo hoàng hơn những người khác hay không, hồng y Nichols trả lời: "Tôi đã có một vài lựa chọn, nhưng chúng đã thay đổi".
Hồng y William Goh Seng Chye từ Singapore nói với tờ Il Messaggero, rằng ông cũng không biết ai có thể là giáo hoàng tiếp theo. "Nghe có vẻ lạ, nhưng chúng tôi thực sự không biết", ông nói. "Chúng tôi vẫn chưa bắt đầu bỏ phiếu, vì vậy chúng tôi không biết”.
Quy trình bỏ phiếu
Các hồng y họp hai phiên họp trước mật nghị vào thứ Hai (5/5), và dự kiến sẽ họp thêm ít nhất một phiên nữa vào thứ Ba (6/5).
Mật nghị bắt đầu vào sáng thứ Tư (7/5) với nghi lễ đặc biệt tại Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Chiều cùng ngày, các hồng y sẽ tiến vào Nhà nguyện Sistine, công trình có từ thế kỷ 15 được trang trí bằng những bức bích họa của Michelangelo, và bắt đầu bỏ phiếu bầu ra giáo hoàng tiếp theo.
Các hồng y dự kiến sẽ bỏ một phiếu vào chiều 7/5. Những ngày tiếp theo, sẽ có hai phiếu vào mỗi buổi sáng và buổi chiều. Một ứng viên cần phải nhận được 2/3 số phiếu để trở thành giáo hoàng.
Theo quy định của mật nghị, nếu không có ai được bầu sau ba ngày đầu tiên, các hồng y sẽ phải tạm dừng một ngày trước khi tiếp tục.
Tín hiệu duy nhất được đưa ra với thế giới bên ngoài về các cuộc bỏ phiếu sẽ đến từ một ống khói được lắp phía trên nhà nguyện. Các hồng y sẽ đốt các lá phiếu của mình, thêm một vài chất hóa học để tạo ra một trong hai màu khói: màu đen cho trường hợp bỏ phiếu không có kết quả, màu trắng khi đã chọn được giáo hoàng mới.
Hồng y người Ý Fernando Filoni, một cựu viên chức Tòa thánh Vatican tham gia mật nghị lần thứ hai, nói với tờ Corriere della Sera rằng những lần bỏ phiếu đầu tiên có thể sẽ chưa mang lại kết quả
"Hai lá phiếu đầu tiên là để định hướng, sau đó chúng tôi bắt đầu phân tích", ông nói.
Việc các hồng y bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài, sống và ăn cùng nhau tại nhà khách Santa Marta của Vatican cũng rất quan trọng, hồng y Filoni nói.
"Khi chúng tôi bỏ phiếu, chúng tôi không nói chuyện, nhưng sau đó chúng tôi ăn cùng nhau, sống cùng nhau và trao đổi các thông tin", ông nói.
(Theo TPO)