Căng thẳng biên giới giữa Eritrea và Djibouti

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/7/2008 | 12:00:00 AM

Liên minh châu Phi (AU) vừa ra tuyên bố lên án "hành động quân sự của Chính quyền Eritrea" gần đây đưa quân chiếm vùng đất tranh chấp dọc biên giới giữa Eritrea và Djibouti và yêu cầu Eritrea "thể hiện tinh thần đối thoại để giải quyết mọi tranh chấp giữa hai nước láng giềng và nỗ lực hợp tác theo hướng này".

Quân đội Djibouti canh giữ dọc biên giới 
với Eritrea.
Quân đội Djibouti canh giữ dọc biên giới với Eritrea.

Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti cho biết, quân đội Eritrea đang chiếm giữ một phần vùng đất Ras Doumeira, cách Thủ đô Djibouti 120 km về phía bắc.

Chính phủ Djibouti đã đưa quân đội, xe tăng, đại bác và xe ủi đất đến dựng chiến lũy gần nơi quân Eritrea đóng.

Liên quan sự kiện này, Thủ tướng Djibouti  D.Mohammed và Thủ tướng Ethiopia (nước cũng đang có tranh chấp biên giới với Eritrea) M. Zenawi đã gặp nhau thảo luận biện pháp chung nhằm khắc phục cuộc xung đột biên giới với Eritrea.

Hai ông khẳng định hành động quân sự của Eritrea là nguy hiểm, làm quan hệ giữa Eritrea và Djibouti trở nên căng thẳng.

Ðây không phải lần đầu cuộc tranh chấp vùng Ras Doumeira, một vùng bán sa mạc nhô ra biển và đảo Doumeira trên Biển Ðỏ nổ ra giữa Eritrea và Djibouti.

Năm 1996 và năm 1999 giữa hai nước đã xảy ra tranh chấp căng thẳng khu vực này. Djibouti coi đây thuộc lãnh thổ của mình và là nơi có vị trí quan trọng.

Tháng 2-2008, tranh cãi  giữa hai nước bùng phát trở lại và quyết liệt hơn sau khi Chính quyền Eritrea đưa một đơn vị quân đội và thiết bị máy móc tới Ras Doumeira.

Ngày 16-4-2008, quân đội Eritrea xâm nhập và đi tuần tiễu tại Ras Doumeira. Ngày 10-6, giao tranh đã nổ ra giữa quân đội hai bên cho đến ngày 12-6, phía Djibouti có 57 binh sĩ chết và bị thương. 

Eritrea rộng 118 nghìn km2, dân số bốn triệu người và Djibouti rộng 23,2 nghìn km2, số dân 700 nghìn người đều nằm ở vị trí địa - chính trị chiến lược nơi ra vào Biển Ðỏ nối từ châu Phi, châu Á, châu Ðại Dương sang châu Âu và ngược lại.

Xung đột nổ ra giữa Eritrea và Djibouti trước hết là do sự tranh chấp quyết liệt những vị trí quan trọng có khả năng có dầu mỏ.

Tại đảo Doumeira, có thể kiểm soát thuế quan hơn 50% số lượng dầu thô khai thác từ các nước như Nigeria, Sudan, Chad vận chuyển sang châu Âu. Từ nhiều năm nay, Mỹ và Pháp coi trọng vị trí quân sự chiến lược ở Djibouti có khả năng tác động lớn đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Tại đây, Pháp đặt căn cứ quân sự lớn nhất của họ tại châu Phi với 2.800 quân.

Washington đặt tại Djibouti căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ trên lục địa đen nhằm kiểm soát Biển Ðỏ và toàn lục địa. Ngoài ra, cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm nay không đi đến kết thúc là do từ trước đến nay, tại khu vực Ras Doumeira gần như không có hệ thống biển báo, cột mốc phân định biên giới rõ ràng giữa Eritrea và Djibouti. Ðây lại là khu không dân cư nên quân đội Eritrea dễ dàng xâm nhập.

Cuộc xung đột giữa Eritrea và Djibouti gây lo ngại trong dư luận quốc tế và các nước trong khu vực. Sáu nước Ðông Phi và Hội đồng Bảo an LHQ cùng nhiều nước khác như Mỹ, Pháp, Yemen, v.v. đều lên án cuộc tiến công quân sự của Eritrea, đòi nhà cầm quyền Asmara rút quân khỏi Ras Doumeira và đàm phán với Chính phủ Djibouti.

Trong khi đó, nguy cơ bùng nổ chiến tranh vẫn tiếp tục, cả hai nước điều động binh sĩ, xe tăng, đại bác đến sát khu tranh chấp. Djibouti kêu gọi Pháp giúp đỡ. Pháp đã cam kết ủng hộ Djibouti về vũ khí, lương thực và về tư vấn quân sự.

Trong bối cảnh vùng Sừng châu Phi đang mất ổn định với nhiều cuộc xung đột ở đây, quan hệ Eritrea và Djibouti căng thẳng đã làm tình hình khu vực này thêm trầm trọng.

Dư luận kêu gọi các bên xung đột, nhất là Chính quyền Eritrea, ngừng ngay các hoạt động quân sự và rút các lực lượng về nguyên trạng ban đầu, đồng thời cùng hợp tác tham gia những nỗ lực ngoại giao, đàm phán hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. 

(Theo NDĐT)

Các tin khác

Một nhân viên chữa cháy rừng đang cố gắng khống chế ngọn lửa đang lan sát một ngôi nhà gần khu vực Goleta.

Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-oan vừa cho biết, Hiến chương ASEAN có khả năng sẽ được chính thức phê chuẩn vào tháng 8 tới, tạo khung pháp lý cho 10 nước thành viên hoạt động.

HLV Peter Reid khi còn làm việc tại giải Ngoại hạng. Ông sẽ có mặt ở Thái Lan từ tháng 8, sau khi hoàn tất các điều khoản hợp đồng vào tuần tới.

Cựu HLV nổi tiếng của CLB Sunderland (Ngoại hạng Anh), Peter Reid, sẽ dẫn dắt tuyển Thái Lan - đội mới đặt tham vọng giành vé dự World Cup 2014.

Đánh bắt cá hồi ở Tây Ban Nha.

Uỷ ban châu Âu (EC) hôm 8/7 đã công bố kế hoạch trợ cấp 600 triệu euro (940 triệu USD) cho ngư dân Liên minh châu Âu nhằm giúp họ đối phó với tình trạng giá dầu tăng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục