Châu Á giảm sử dụng xăng dầu
- Cập nhật: Thứ bảy, 19/7/2008 | 12:00:00 AM
Trước việc giá dầu thô tăng cao, trong khi các chính phủ lại cắt giảm các khoản trợ giá nhiên liệu, người dân nhiều nước châu Á đã hạn chế sử dụng xăng dầu. Sức tiêu thụ nhiên liệu ở châu Á đang giảm được đánh giá là có khả năng hạ nhiệt giá dầu
|
Châu Á chắt chiu
Xếp hàng lên tàu điện ngầm tại thủ đô Manila của Philippines. Nhiều người dân ở Manila nay để xe hơi ở nhà và chuyển sang dùng các phương tiện giao thông công cộng để giảm các khoản chi cho xăng dầu. Ảnh: Reuters
Khi giá xăng dầu ở Malaysia tăng cao vào tháng 6.2008, gia đình ông Steven KC Poh ở Kuala Lumpur (Malaysia) đã bán đi một chiếc xe hơi để mua một chiếc khác ít hao xăng hơn. Từ đó, vợ chồng ông tiết kiệm được 100 ringgit/tháng (khoảng 31 USD) tiền xăng dầu. Affandi Samson, chủ một cây xăng ở Kuala Lumpur, cho biết từ khi giá xăng dầu tăng cao, doanh thu của cây xăng này giảm 30% do số người mua xăng giảm.
Ông Agregado Rupert, làm việc tại một công ty thông tin ở Manila (Philippines), trước đây lái xe hơi đi làm mỗi ngày, nhưng từ tháng 3 đã chuyển sang đi xe buýt bốn ngày một tuần, chỉ thứ sáu mới lái xe. Những người khác thì chuyển sang dùng tàu điện ngầm. Nhu cầu này cao đến nỗi các trạm tàu điện vào giờ cao điểm chật cứng người xếp hàng nhích từng bước để lên được các chuyến tàu.
Tại Thái Lan, giá xăng dầu sau khi bỏ trợ giá đã khá tiệm cận với giá thế giới khiến dân Thái phải giảm dùng xe hơi. Nhiều người chuyển sang đi xe đạp nên lượng xe đạp bán ra tăng đáng kể. Lượng khách đi xe lửa cũng tăng từ 10 - 15% trong tháng trước. Một số nông dân Thái đã ngưng dùng máy kéo và chuyển sang dùng trâu bò để giảm chi phí xăng dầu.
Nông dân Campuchia cũng đang được kêu gọi dùng sức trâu bò thay máy kéo vì giá nhiên liệu tăng khiến chi phí cày ruộng ở nước này tăng từ 39 USD/ha trong năm ngoái lên 51 USD/ha trong năm nay.
Tại Ấn Độ, vào tháng 6 chính phủ đã nâng giá nhiên liệu thêm 10%. Giá xăng tăng cao đã dẫn đến cuộc bãi công của hơn bốn triệu tài xế xe tải hôm 2.7. Nhiều người dùng xe ô tô nay đã chuyển đổi động cơ xe để sử dụng gas thay cho xăng dầu.
Còn tại Trung Quốc, trong tháng 6 giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng thêm 17%. Các nhà phân tích dự đoán trong thời gian ngắn nhu cầu xăng dầu tại Trung Quốc vẫn sẽ tăng nhưng sau đó cũng sẽ giảm.
Giá dầu sẽ giảm?
Hiện còn khá sớm để kết luận việc giá nhiên liệu tăng có thể hạn chế tiêu thụ xăng dầu trong khu vực châu Á. Theo cơ quan tư vấn FACTS Global Energy Group ở Singapore, tiêu thụ dầu tại châu Á vẫn mạnh mẽ, tuy nhiên sự chín muồi của kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ… sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghệ ít tiêu hao nhiên liệu. Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ xăng dầu lớn nhất châu Á. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của những nước này được dự đoán sẽ dịu đi trong những năm tới. Các nhà kinh tế cho rằng châu Á cần trải qua cú sốc giá dầu như ở Mỹ những năm 1970 để thay đổi hành vi tiêu dùng, và chuyển sang sử dụng dầu hiệu quả hơn.
Không giống như sản phẩm nông nghiệp dễ hỏng, dầu có thể chôn dưới đất. Các nhà sản xuất dầu lúc nào cũng có thể chủ động tăng hay giảm sản lượng. Nếu các dự báo cho thấy giá dầu trong tương lai sẽ cao hơn, các nước sản xuất dầu sẵn sàng giảm khai thác để găm hàng. Ngược lại, nếu dự báo cho thấy giá dầu sẽ giảm, các nước sản xuất dầu sẽ tăng sản lượng để lấy tiền bán dầu đầu tư vào khu vực kinh tế khác. Quyết định bán hay trữ dầu phụ thuộc vào các dự báo giá dầu.
Khi các nước sản xuất xác định nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc và một số nước khác sẽ tăng lên, họ giảm nguồn cung vào năm 2007 để chờ đến khi giá tăng cao mới bán dầu ra. Việc cắt giảm này rõ ràng đã góp phần khiến giá dầu tăng nhanh. Nhưng nay với thực tại châu Á đang giảm sử dụng nhiên liệu, cùng với việc Trung Quốc và Ấn Độ trong tương lai có khả năng giảm sử dụng dầu, các dự báo đều cho rằng giá dầu sẽ giảm trong tương lai. Những dự báo này đang góp phần làm hạ nhiệt giá dầu hiện tại. Việc các nước sản xuất dầu như Saudi Arabia hứa hẹn tăng nguồn cung cũng đang góp phần giảm giá dầu hiện tại.
(Theo SGTT)
Các tin khác
Tập đoàn dầu khí bang Gujarat của Ấn Độ (GSPC) vừa phát hiện mỏ khí khổng lồ chứa hơn 600 tỷ mét khối gas tại vùng trũng Krishna-Godavari, ngoài khơi bờ biển phía tây Ấn Độ.
Mỹ tiếp tục tăng hỗ trợ tài chính cho chương trình hỗ trợ phòng chống AIDS toàn cầu đang thành công của mình. Ngày 16-7, Thượng viện Mỹ đã chấp thuận tăng chương trình hỗ trợ y tế này từ 15 tỉ lên 48 tỉ USD trong năm năm tới. Chương trình này cũng bao gồm phần hỗ trợ cho việc chống sốt rét và viêm phổi trên toàn cầu.
Anheuser-Busch - nhà sản xuất bia lớn nhất nước Mỹ - đã đồng ý sáp nhập với một “người khổng lồ” khác, hãng bia Bỉ Inbev, với giá 52 tỷ USD. Bản hợp đồng này sẽ tạo ra nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới, đồng thời đặt biểu tượng của ngành công nghiệp sản xuất bia của nước Mỹ vào tay người Bỉ.
Mạng thông tin của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dẫn lời Đại diện thương mại Mỹ Susan C. Schwab cho biết ngày 16/7, Mỹ đã ký hai hiệp định riêng rẽ với 10 nước vùng Nam sa mạc Sahara của châu Phi.