Israel ra sức chuẩn bị tấn công Iran
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2008 | 12:00:00 AM
Israel đang tăng cường khả năng không kích của mình do ngày càng lo ngại về Iran. Họ tin có thể làm tê liệt hoạt động hạt nhân của Tehran bằng hành động quân sự.
Một tàu ngầm của hải quân Israel
|
Nhà nước Do Thái đã mua 90 máy bay chiến đấu F-16I có thể chứa đủ nhiên liệu để bay sang Iran, và theo kế hoạch sẽ nhận thêm 11 chiếc nữa vào năm tới. Israel đã mua 2 tàu ngầm Dolphin mới của Đức được cho là có thể phóng đầu đạn hạt nhân, bên cạnh 3 chiếc mà nước này hiện có. Và mùa hè qua, Israel đã tiến hành các cuộc diễn tập không quân tại Địa Trung Hải, gây đồn đoán về việc một cuộc tấn công sắp xảy ra nhằm vào Iran. Ngoài ra, nhiều nguồn tin báo chí nước ngoài cho biết tình báo Israel đang hoạt động tích cực bên trong lãnh thổ Iran.
Vấn đề hạt nhân Iran lên đến mức độ "khẩn cấp" mới sau khi giới chức Mỹ và Anh bác bỏ phản hồi của Iran về kế hoạch cả gói của quốc tế nhằm thuyết phục nước này ngừng làm giàu uranium, mở đường cho loạt biện pháp trừng phạt thứ tư chống quốc gia vùng Vịnh. Israel coi việc Iran có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa cho sự tồn tại của mình. Israel tin rằng Iran sẽ có đủ uranium để chế tạo một quả bom hạt nhân vào năm 2009 hoặc chậm nhất là năm 2010. Giới chức Mỹ không tin vào ước đoán của Israel, nhưng lo ngại việc Iran bổ sung máy ly tâm, vốn cần cho việc làm giàu uranium, nhanh hơn dự đoán. Phó thủ tướng Israel Shaul Mofaz tuần qua tuyên bố nếu tình báo Israel, Mỹ hoặc châu Âu có bằng chứng rằng Iran phát triển thành công công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân, Israel sẽ có phản ứng "phản ánh được mối đe dọa hiện hữu từ loại vũ khí đó".
Trước đây, vào năm 1981, Israel đã ném bom phá hủy lò phản ứng hạt nhân Osirak ở Iraq. Năm ngoái, Israel không kích xuống cái mà giới chức Mỹ gọi là "cơ sở hạt nhân chưa hoàn chỉnh" ở Syria. "Sứ mệnh" của Israel ở Iran, nếu có, phức tạp hơn nhiều. Các cơ sở hạt nhân của Tehran nằm rải rác khắp nước, một số ở dưới lòng đất hoặc được "chôn" trong núi. Tuy nhiên, vụ ném bom Syria cho thấy Israel sẵn sàng tấn công phủ đầu nhằm vào Iran, một cựu chỉ huy tình báo Israel. Mặc dù vậy, Israel không thể tấn công mà không được Mỹ đồng ý. Những diễn biến gần đây về việc Washington không muốn tấn công Iran, bao gồm đề xuất khả năng mở một văn phòng ngoại giao ở Tehran và gần đây cử một thứ trưởng ngoại giao tham gia đàm phán với Iran, cho thấy Israel vẫn chưa được bật "đèn xanh" để tấn công Iran. Để xoa dịu lo ngại của Israel, chính quyền Bush gần đây đã cam kết với Israel rằng Mỹ không loại trừ khả năng tấn công Iran, và đang xem xét trang bị cho Israel một hệ thống phát hiện tên lửa hiện đại.
Khi các biện pháp trừng phạt và ngoại giao vẫn được ưa chuộng để giải quyết vấn đề Iran, một hành động quân sự của Israel hẳn khó xảy ra. Nhưng nếu thực sự tấn công Iran, Israel sẽ phải đối phó với khả năng phòng thủ được nâng cấp của Iran, bao gồm 29 dàn tên lửa đất đối không Tor-M1 mới do Nga sản xuất. Theo các chuyên gia, một cuộc không kích của Israel sẽ cần máy bay có người lái oanh tạc đa mục tiêu và bom chính xác hạng nặng có thể phá boong-ke. Israel hiện chưa trang bị loại bom này. Lực lượng tinh nhuệ của Israel cũng cần xâm nhập các địa điểm khó khăn nhất ở Iran, nhưng giải pháp này đầy rủi ro. Mỹ thừa sức giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng quân sự. Nhưng cái giá trả cho một hành động như vậy không nhỏ. Iran có thể ngừng sản xuất dầu, phong tỏa một eo biển chiến lược, dùng ảnh hưởng ở các nước trong khu vực để "gây rối" Mỹ và Israel. Đó là chưa kể Tehran có tên lửa bắn sang tận lãnh thổ Israel.
(Theo TNO)
Các tin khác
Cuba đứng thứ tư ở châu Mỹ la-tinh và vùng Caribe về số địa danh được công nhận di sản thế giới. Mới đây, trong danh sách 27 di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công bố ngày 8-7, lại có tên di sản Trung tâm lịch sử Camaguey của hòn đảo xinh đẹp này.
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN đang diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) đã đồng ý trên nguyên tắc về việc thành lập nhóm nghiên cứu kế hoạch xây dựng kho dự trữ dầu chiến lược để chuẩn bị cho nhu cầu năng lượng ở khu vực trong tương lai.
Ấn Độ đã phát triển thành công một loại tên lửa chống tăng sau hơn 18 năm nghiên cứu, thiết kế và sản xuất. Loại tên lửa mới này sẽ được chính thức đưa vào sử dụng sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm vào tháng 9 tới, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản dẫn nguồn tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/8 thừa nhận giữa tháng Sáu vừa qua tại Trung Quốc đã xảy ra một vụ ngộ độc thuốc trừ sâu trong sủi cảo do Trung Quốc sản xuất, tương tự như các vụ ngộ độc xảy ra trước đó ở Nhật Bản.