100 ngày cầm quyền đầu tiên của TT Nga Medvedev
- Cập nhật: Thứ bảy, 16/8/2008 | 12:00:00 AM
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev có thể tự hào đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên của mình trên cương vị người đứng đầu nước Nga với việc uy tín của ông trong dân chúng Nga đang ngày càng gia tăng.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ra lệnh ngừng chiến dịch quân sự tại Gruzia.
|
Những hành động trên thực tế trong cả lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại của Tổng thống Medvedev đã chứng tỏ ông là "chính mình", một nguyên thủ quốc gia có phong cách lãnh đạo riêng, chứ không phải là một "bản sao" của người tiền nhiệm Vladimir Putin. Còn nhớ, hồi đầu tháng 5 vừa qua, khi ông Medvedev, nhà lãnh đạo trẻ nhất trong lịch sử nước Nga 90 năm trở lại đây, lên nắm quyền và vị Tổng thống tiền nhiệm Putin giữ ngôi vị thứ hai trong bộ máy chính quyền ở Nga, các chính trị gia đã không ngớt suy đoán về khả năng trường tồn của "bộ đôi" quyền lực này. Tuy nhiên, cách thức xử lý công việc trên cương vị mới của "bộ đôi" này trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên đã chứng tỏ rằng Tổng thống Medvedev đang gia tăng ảnh hưởng cả trong nước cũng như trên trường quốc tế là hoàn toàn dựa trên năng lực của chính bản thân, chứ không phải là nhờ "cái uy" của người tiền nhiệm Putin.
Uy tín mà tân Tổng thống Nga có được trong 100 ngày đầu tiên làm việc tại Điện Crem-li không chỉ nhờ ông đã thực hiện cam kết khi tranh cử, trong đó có việc phát động chiến dịch mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng trên toàn quốc, mà giới bình luận Nga đều cho rằng cuộc chiến Nam Ossetia và những hoạt động ngoại giao khẩn trương liên quan vấn đề này là "một thử thách" rất quan trọng cả đối với Medvedev cũng như đối với "bộ đôi" lãnh đạo Medvedev- Putin. Họ cũng cho rằng Medvedev (cũng như Putin) đã vượt qua cuộc thử thách này một cách tốt đẹp.
Thống kê của công ty "Medialogia" chuyên theo dõi hoạt động của hệ thống truyền thông, cho thấy trong 5 ngày diễn biến cuộc chiến Nam Ossetia và trong ngày 13/8 (là ngày hòa bình đầu tiên), tần suất Tổng thống Medvedev xuất hiện trên các kênh truyền hình liên bang Nga tăng rất mạnh, nhiều gấp 2,5 lần so với sự xuất hiện của Thủ tướng Putin. Và các kênh truyền hình trích dẫn lời Medvedev 192 lần so với 91 lần của Pu-tin. Cao điểm xuất hiện trên truyền hình của Medvedev rơi vào ngày 12/8, là ngày ông tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự ở Nam Ossetia. Chủ tịch Quỹ Chính sách hiệu quả Gleb Pavlovsky nhận xét điều rất quan trọng là "liên minh giữa Medvedev với Putin đã vượt qua thử thách".
Còn ông Đmi-tơ-ri Ba-đốp-xki, Phó Giám đốc Viện các hệ thống xã hội Nga, nhận xét rằng "cơ chế này (Medvedev- Putin) đã tỏ ra có năng lực hoạt động và bền vững. Những lo ngại về việc "bộ đôi" lãnh đạo sẽ dẫn đến làm hạ thấp giá trị của thể chế tổng thống lãnh đạo, đã bị xua tan". Về lĩnh vực đối nội, trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Medvedev đã đề xuất chương trình nghị sự, trong đó phát động cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên toàn quốc, xây dựng các thiết chế xã hội công dân trong bối cảnh hiện đại hóa. Ông nhấn mạnh "đấu tranh chống tham nhũng là một sự nghiệp vì danh dự của Nhà nước Nga". Ngày 19/5, đúng hai tuần sau khi vào Điện Crem-li, Tổng thống Medvedev đã ký sắc lệnh thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Phủ Tổng thống cũng như thông qua Luật chống tham nhũng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng ở Nga. Về lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh thế giới cần phải tích cực tận dụng hơn nữa các hình thức ngoại giao đa phương để giải quyết các vấn đề chung đang phải đối mặt trên cơ sở phù hợp với lợi ích chung. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Nga sẽ không từ bỏ lập trường của mình trong bất kỳ một vấn đề nào.
Dư luận nhận xét sự ra mắt của tân Tổng thống Nga tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G-8 hồi đầu tháng 7 vừa qua, được xem là diễn đàn quốc tế lớn đầu tiên mà ông tham dự với tư cách là nguyên thủ quốc gia Nga, được đánh giá là khá "ấn tượng" với một loạt cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Nhận xét về phong cách lãnh đạo của Tổng thống Medvedev, giới quan sát chính trị đều có chung ý kiến rằng cách hành xử trong việc giải quyết các vấn đề trong nước và quốc tế cho thấy ông Medvedev có phong cách riêng của mình, chứ không chỉ là "cái bóng" của ông Putin. Ông cũng đã khẳng định điều này trong một lần trả lời phỏng vấn của báo giới nước ngoài, khi nói rằng mỗi một chính khách, một tổng thống đều có phong cách lãnh đạo riêng.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng phong cách riêng đó không làm thay đổi điều quan trọng nhất là phấn đấu cho những ưu tiên chung mà đất nước và nhân dân Nga quan tâm thực hiện. Ông khẳng định đường lối phát triển chung đã được lựa chọn của nước Nga trong 15-20 năm tới phải ổn định và không được có bất kỳ sự trệch hướng nào. Người dân Nga đánh giá tích cực những hành động của Tổng thống Medvedev. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới ở Nga, tỉ lệ ủng hộ ông Medvedev đã tăng từ 70% lên 73% trong tháng 6/2008. 100 ngày đầu tiên cầm quyền đã cho thấy Tổng thống Medvedev có ý định chuyên tâm vào việc cải thiện bầu không khí pháp lý cũng như hệ thống tư pháp và cuộc chiến chống tham nhũng, còn chính phủ của Thủ tướng Putin thì chịu trách nhiệm xử lý những công việc cụ thể sẽ được thực hiện trong bầu không khí này - đó là chiến lược phát triển nước Nga đến năm 2020.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân vẫn tin tưởng rằng dưới sự chèo lái của "Thuyền trưởng" Medvedev cũng như sự phối hợp ăn ý giữa "bộ đôi" quyền lực Medvedev- Putin, "con tàu" nước Nga mới đang và sẽ tiếp tục đi theo hướng phát triển và củng cố dân chủ, đảm bảo quyền tự do và quyền con người, đạt tới mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới và có tiếng nói ngày càng có trọng lượng hơn trong các công việc quốc tế.
(Theo TPO)
Các tin khác
Thỏa ước ngừng bắn giữa Nga với Georgia đang đứng trước nguy cơ bị đổ vỡ sau những cáo buộc và động thái đáng lo ngại của cả hai phía.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều nay 14/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng cho biết, Việt Nam lấy làm tiếc về cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa Georgia và Nam Ossetia, đồng thời hoan nghênh tuyên bố ngừng bắn vừa được Tổng thống Nga Dimitry Medvedev đưa ra hôm 12/8.
Giá dầu thô ngày 14/8 tăng ngày thứ hai liêp tiếp sau khi có báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ xăng giảm hơn dự đoán, các nhà máy lọc dầu giảm công suất và nhập khẩu xăng dầu vào Mỹ giảm.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vừa chính thức thông qua viện trợ 214 triệu USD cho hàng triệu người nghèo tại 16 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực và nhiên liệu.