Gruzia: EU không cần thiết phải áp đặt trừng phạt Nga

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/9/2008 | 12:00:00 AM

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU ngày 1/9 để bàn giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Gruzia, các quan chức cấp cao của cả Gruzia và Nga đều đưa ra những phát biểu mang hơi hướng hòa giải, giúp giảm bớt những căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Quan hệ Nga-EU đang rơi vào tình trạng căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Quan hệ Nga-EU đang rơi vào tình trạng căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tại Brúc-xen ngày 31/8, Thủ tướng Gruzia Lado Gurgenidze đã bác bỏ khả năng EU áp đặt các biện pháp trừng phạt "thực sự" đối với Nga.

Ông đề nghị EU chỉ nên áp dụng những biện pháp "trừng phạt linh hoạt", như cấm thị thực, phong tỏa tài sản đối với các công ty và cá nhân nước ngoài kinh doanh mà không đăng ký hợp pháp với chính quyền Gruzia tại hai khu vực li khai của nước này vừa được Nga công nhận độc lập là Nam Ossetia và Abkhazia.

Ông cho rằng việc áp dụng "trừng phạt linh hoạt" sẽ khuyến khích Moscow tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn sáu điểm với Gruzia do Pháp bảo trợ. Ngoài ra, theo Thủ tướng Gruzia, EU nên ủy quyền cho một phái đoàn dân sự tới giám sát các vùng đệm gần Nam Ossetia và Abkhazia, mở đường cho việc triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế để thay thế sự hiện diện của quân đội Nga tại khu vực này.

Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Gruzia Ekaterine Tkeshelashvili cũng cho rằng việc EU áp đặt trừng phạt đối với Nga là "không cần thiết".

Bà nhấn mạnh cuộc xung đột Nga - Gruzia có thể sẽ châm ngòi cho một "hiệu ứng dây chuyền", lan tới Ucraina hoặc những nước khác, tạo mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

Tuy nhiên, đối với Tbi-li-xi, việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga "không phải là vấn đề mấu chốt", mà EU cần có trách nhiệm đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia và những nước khác.

Trong khi đó, phát biểu trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gruzia.

Tờ "Nhật báo Thương mại" của Đức ngày 1/9 dẫn lời ông Lavrov nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng hiện nay cần được giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Pháp và tiếp tục tôn trọng tất cả các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình 6 điểm do Pháp bảo trợ đã được Nga và Gruzia ký".

Ngày 1/9, lãnh đạo 27 nước EU họp tại Brúc-xen để xem xét các biện pháp có thể để đối phó với hành động can thiệp quân sự của Nga ở Gruzia, trong đó có khả năng tẩy chay Đại hội Olympic mùa Đông 2014 ở Xô-tri, ngừng các cuộc đàm phán về mở rộng quan hệ kinh tế với Moscow.

Trong bức thư gửi các nhà lãnh đạo EU trước thềm hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozi, Chủ tịch hội nghị, đã kêu gọi "xem xét một cách nghiêm túc các quan hệ giữa EU và Nga".

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cũng như dư luận, việc EU áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga dường như là không thể xảy ra do các nước châu Âu đang phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Phát biểu trên đài truyền hình Pháp ngày 31/8, ông Kouchner cho biết EU sẽ thảo luận một "văn bản cân bằng và kiên quyết" đối với cuộc khủng hoảng ở Cáp-ca-dơ, song không phải là những biện pháp trừng phạt.

Do vậy, nhiều khả năng EU sẽ lựa chọn giải pháp tăng cường sức ép ngoại giao để "cô lập" Moscow và tăng cường hỗ trợ cho Tbi-li-xi về viện trợ nhân đạo, kinh tế; đóng góp cho phái đoàn giám sát hòa bình của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)...

Ngay trước hội nghị EU, cộng đồng những người nói tiếng Nga sinh sống ở châu Âu đã quyết định tổ chức tuần hành tại Brúc-xen trong ngày 1/9 nhằm kêu gọi duy trì quan hệ đối tác giữa EU và Nga. Chủ tịch Hội "Cộng đồng những người nói tiếng Nga ở châu Âu" Sergey Petrosov cho biết đoàn tuần hành đại diện cho 6 triệu người nói tiếng Nga đang sinh sống tại các nước EU.

Tuyên bố của những người tham gia tuần hành nêu rõ "những sự kiện ở Nam Ossetia là hậu quả của chính sách khiêu khích của Mỹ trong ý đồ làm suy yếu Nga, quốc gia được coi là đối trọng cản trở tham vọng bá chủ của Washington. Vì vậy, lãnh đạo các nước EU cần tính toán để đưa ra quyết định cân bằng trong quan hệ với Nga, trên cơ sở bảo vệ lợi ích của chính người dân EU, không nên hy sinh lợi ích của riêng mình cho tham vọng của Mỹ".

(Theo TPO)

Các tin khác

Ngày 31-8, hơn 150.000 người đã xuống đường tuần hành trên cả nước Mexico. Dòng người mặt đồ trắng, thắp nến và mang ảnh của nạn nhân các vụ bắt cóc diễu hành trên nhiều đường phố (ảnh).

Tính đến chiều 31/8, trận động đất mạnh 6,1 độ Richte xảy ra ngày 30/8 ở thành phố Phán Chi Hoa thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, đã làm ít nhất 25 người chết, 3 người mất tích, hơn 250 bị thương.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadi-nejad thăm cơ sở làm giàu hạt nhân Natanz.

Hãng thông tấn Iran IRNA ngày 29-8 cho biết Iran hiện có 4.000 máy ly tâm làm giàu uranium đang hoạt động. Dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Reza Sheikh Attar, IRNA cho biết Iran đang tiếp tục lắp đặt hơn 3.000 máy ly tâm khác tại Natanz và có ý định mở rộng việc làm giàu uranium với 54.000 máy ly tâm trong thời gian tới, tiếp tục khẳng định việc phát triển công nghệ hạt nhân nước này không ngoài mục đích hòa bình.

Một trực thăng quân sự của Lebanon hôm 28/8 đã phải hạ cánh khẩn cấp ở miền nam nước này sau khi trúng đạn pháo từ dưới mặt đất bắn lên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục