Thái Lan: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/9/2008 | 12:00:00 AM

Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej, hôm nay (4/9), tuyên bố ông quyết không từ chức, bất chấp việc hàng nghìn người phản đối đã chiếm giữ Tòa nhà Chính phủ suốt 10 ngày qua nhằm buộc ông phải ra đi.

Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) đang gây sức ép đối với ông Samak, gọi ông là người đại diện bất hợp pháp của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. PAD tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình chừng nào họ đạt được mục đích của mình.

Thị trường chứng khoán Thái Lan đã giảm 26% kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra trên đường phố Bangkok hồi tháng 5. Trong tháng 8, đồng baht giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua so với đôla Mỹ và những bất ổn chính trị ở quốc gia Đông Nam Á này ngày một trầm trọng hơn.

Hãng tin Reuters đã nêu ra một số kịch bản có thể xảy ra trên chính trường Thái Lan, mặc dầu chẳng viễn cảnh nào có thể hàn gắn được những rạn nứt giữa người dân nghèo ủng hộ Thaksin và tầng lớp trung lưu lên án ông.

Thủ tướng Samak yêu cầu tổ chức bầu cử nhanh

Thủ tướng Samak giải tán Quốc hội để tổ chức một cuộc bầu cử nhanh với hy vọng sẽ thoát khỏi sức ép của PAD. 

Tuy nhiên, với việc Đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) của ông gần như chắc chắn sẽ chiến thắng và lãnh đạo chính phủ mới, PAD khó có thể từ bỏ tham vọng.

Cuộc bầu cử nhanh nhiều khả năng sẽ được tổ chức một khi Quốc hội thông qua ngân sách mới, được cho là vào cuối tuần này, làm đầy các két của Chính phủ để chuẩn bị cho một chiến dịch vận động bầu cử có thể. 

Ông Samak mất kiên nhẫn, ra lệnh dập tắt biểu tình

Từng mang tiếng là một chính trị gia cứng rắn, nhưng đến thời điểm này ông Samak vẫn tỏ ra rất bình tĩnh.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu ông sẽ kiên nhẫn như vậy được bao lâu, đặc biệt là khi Liên minh Dân chủ chống Độc tài ủng hộ Chính phủ mở chiến dịch chống PAD trong tuần qua dẫn tới cái chết của một người và làm bị thương hàng chục người khác.

Trong khi đó, quân đội tuyên bố sẽ không dùng vũ lực, mặc dầu theo luật tình trạng khẩn cấp, họ có quyền "đuổi cổ" PAD. 

Sẽ có nhiều người chết nếu cảnh sát chống bạo loạn được điều động để tấn công khu vực biểu tình - nơi những người phụ nữ trung tuổi sát cánh bên những thanh niên trẻ mang theo đủ các loại gậy gộc.

Khả năng máu đổ sẽ làm công chúng hoảng sợ và có thể khiến chính phủ của Thủ tướng Samak sụp đổ.

Quân đội tiến hành đảo chính 

Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan, Tướng Anupong Paochinda nhấn mạnh rằng một cuộc đảo chính sẽ chẳng thể giải quyết được bất kỳ vấn đề chính trị nào ở Thái Lan. 

Tuy nhiên, nếu căng thẳng leo thang và thêm nhiều người thiệt mạng hoặc bị thương, quân đội có thể cảm thấy cần phải can thiệp với lý do hòa giải dân tộc.

Với khả năng này, chưa rõ kiểu chính phủ nào sẽ lên nắm quyền. 

Thủ tướng Samak đồng ý ra đi 

Thủ tướng Samak chịu thua và từ chức cùng với Nội các của ông. Khi đó, Đảng Dân chủ đối lập sẽ thành lập một Chính phủ mới. Nếu đảng này không làm được như vậy, bầu cử sẽ được tổ chức. 

PAD hết tiền và từ bỏ tham vọng 

Không ai biết người nào hậu thuẫn cho PAD. Tuy nhiên, đa số chuyên gia phân tích cho rằng họ rất lắm tiền và liên kết rất tốt. Bất chấp những lời lẽ cứng rắn của Thủ tướng Samak, không có khả năng PAD sẽ từ bỏ mục đích của mình.

Quốc vương Thái Lan can thiệp

Được tôn sùng bởi rất nhiều người Thái Lan, Quốc vương Bhumibol Adulyadej, năm nay 80 tuổi, có sức ảnh hưởng chính trị rất lớn dù không chính thức. Trong 6 thập niên nắm giữ ngai vàng, ông đã vài lần can thiệp vào khủng hoảng chính trị.

Đầu tháng này, Quốc vương đã có ý chỉ trích chính sách kinh tế của Chính phủ và những cư xử của họ khi bất đồng với Ngân hàng Thái Lan về cách thức giải quyết lạm phát. 

Như vậy, bất cứ một hành động can thiệp nào của Quốc vương cũng ít khả năng sẽ có lợi cho Chính phủ của ông Samak. Nó cũng có thể sẽ bao gồm một hình phạt đối với PAD, căn cứ vào việc họ đã coi thường lệnh giải tán của tòa án, cơ quan mà Quốc vương đã nhấn mạnh là trụ cột giải quyết các xung đột chính trị. 

 

(Theo VietNamNet)

Các tin khác
Thủ tướng Nga Vladimir Putin

Tạp chí danh tiếng Vanity Fair vừa công bố danh sách 100 người quyền lực nhất thế giới. Đứng đầu danh sách này là Thủ tướng Nga Vladimir Putin.

Trong bài phát biểu sáng nay (4/9) qua Đài phát thanh Thái Lan, Thủ tướng Samak Sundaravej khẳng định ông sẽ không từ chức cho dù Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) gây áp lực bằng cách chiếm giữ khu nhà Chính phủ.

Tàu chiến Mỹ Cutter Dallas - tùa thứ 2 - đã tới Grudia.

Ngày 3/9, Mỹ lại tiếp tục cử chiếc tàu chiến thứ 3 mang hàng cứu trợ tới với đồng minh Grudia, dù trước đó đã có những phản ứng gay gắt từ Nga

Tại cuộc họp báo được tổ chức vội vàng tối 1/9 ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Y.Fukuda nói ông cần phải từ chức để tránh “một khoảng trống chính trị” trong ban lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục