Thủ tướng Thái Lan bị buộc từ chức
- Cập nhật: Thứ tư, 10/9/2008 | 12:00:00 AM
Thủ tướng Samak Sundaravej đã không vượt qua được “ngày phán xét” và bị buộc phải từ chức.
Người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan mừng phán quyết của Tòa án hiến pháp
|
Ngày 9-9, với sự đồng thuận của toàn bộ chín chánh án, Tòa án hiến pháp Thái Lan ra phán quyết kết tội Thủ tướng Samak vi hiến. Tòa án hiến pháp buộc ông Samak phải từ chức ngay lập tức, trong khi nội các hiện tại cũng phải bị giải thể.
Dù vậy, ngoại trừ ông Samak, toàn bộ nội các sẽ được phép tiếp tục duy trì hoạt động trong vòng 30 ngày cho đến khi quốc hội bầu ra thủ tướng mới. Phó thủ tướng thứ nhất Somchai Wongsawat sẽ nắm chức vụ thủ tướng tạm quyền.
Ông Samak dẫn hai chương trình ẩm thực truyền hình nổi tiếng trong vòng bảy năm trước khi trở thành thủ tướng. Sau khi lên vị trí đứng đầu chính phủ, ông Samak còn tiếp tục xuất hiện trên các chương trình này vài lần nữa. Theo hiến pháp Thái Lan, thủ tướng không có quyền làm việc cho các công ty tư nhân.
Trước tòa, ông Samak tuyên bố ông không làm việc cho hãng truyền hình, mà chỉ nhận tiền đi lại và mua các loại đồ ăn nấu trong chương trình. Tuy nhiên, Hãng tin AP cho biết trên thực tế hãng truyền hình này đã trả cho Thủ tướng Samak 560 USD/chương trình. Hồ sơ thuế của ông Samak đã khẳng định thông tin này. Như vậy, theo phán quyết của tòa, ông Samak đã gây tình huống xung đột về lợi ích, vi phạm điều 267 trong hiến pháp 2007.
“Việc ông ấy làm ở công ty này có thể được xem là việc làm thuê”, AP dẫn lời chánh án Chat Chonlaworn. Theo ông Chat, ông Samak đã đưa ra lời khai nhập nhằng, thậm chí còn “làm giả chứng cứ để che giấu hành động của ông ta”.
Theo AP, phán quyết của tòa án, được truyền trực tiếp qua đài truyền hình và phát thanh, đã khiến hàng ngàn người biểu tình đang chiếm cứ tòa nhà chính phủ tại Bangkok vỗ tay vang rền. Trước khi tòa án ra phán quyết, ông Samak đã khẳng định không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận phán quyết của tòa. Tuy nhiên, theo báo The Nation, luật pháp Thái Lan không cản trở việc ông Samak tiếp tục ứng cử làm thủ tướng. Và nếu thuyết phục được quốc hội bầu lại, ông Samak sẽ một lần nữa trở thành người đứng đầu chính phủ.
Báo The Nation cho biết chỉ vài phút sau khi Tòa án hiến pháp công bố bản án, người phát ngôn của đảng cầm quyền Quyền lực nhân dân (PPP) tuyên bố sẽ bầu cho ông Samak trở lại làm thủ tướng. Các đảng khác trong liên minh cũng tán đồng phương án này. Phó chủ tịch PPP Kan Thiankaew cho biết sẽ kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 10/9 để bầu lại ông Samak. Nếu ông Samak từ chối, PPP sẽ chỉ định một thành viên khác trong đảng. Theo các nhà phân tích, trên lý thuyết ông Samak có thể trở lại nắm quyền điều hành chính phủ chỉ trong vòng vài ngày sau khi liên minh cầm quyền bầu lại ông và quốc hội bỏ phiếu.
Theo Bangkok Post, đã có nhiều ý kiến đề nghị đưa nhà lãnh đạo Đảng Chart Thai Banharn Silpa-archa lên thay ông Samak. Tuy nhiên, ông Banharn khẳng định sẽ không chấp nhận lời đề nghị bởi ông không chịu nổi áp lực chính trị lớn. “Sẽ là tốt hơn nếu tôi tiếp tục như hiện tại - Bangkok Post dẫn lời chính trị gia này - Tôi muốn được sống lâu”. Do đó, theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan sẽ không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai.
Reuters cho biết các lãnh đạo của Liên minh vì dân chủ (PAD), lực lượng phát động cuộc biểu tình vây tòa nhà chính phủ nhiều ngày qua, tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi toàn bộ chính phủ bị giải tán. Như vậy, cuộc biểu tình đã làm tê liệt đất nước Thái Lan suốt hai tuần qua, có lúc đã dẫn đến đổ máu, sẽ vẫn còn tiếp diễn.
(Theo TTO)
Các tin khác
Lợi dụng tình trạng căng thẳng leo thang tại khu vực Kavkaz, Mỹ đang cố tình thúc đẩy tiến trình triển khai một phần của Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) tại châu Âu.
Với tựa đề The little heart- bộ phim Trái tim bé bỏng của đạo diễn Thanh Vân đã lọt vòng đề cử tranh giải phim Đông Nam Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Bangkok 2008 (23 - 30/9).
Tổng thống Mỹ Bush có kế hoạch sẽ chính thức thông báo rút quân khỏi Iraq với số lượng về nước lên tới 8.000 lính.
Đó là lời khẳng định của Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga Andrei Nesterenko. Thông tin này là liều thuốc giải toả dư luận cho rằng Nga tổ chức tập trận chung với Venezuela là để trả đũa Mỹ.