Giá dầu thế giới giảm dưới 97 USD/thùng: Người mừng, kẻ lo
- Cập nhật: Thứ ba, 16/9/2008 | 12:00:00 AM
Sau nửa năm vùn vụt tăng và tiệm cận mốc 150 USD/thùng, trong vòng hơn 1 tháng qua, giá dầu trên thị trường thế giới đã liên tục đảo chiều và có lúc xuống dưới 100 USD/thùng, cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 15-9, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 ở thị trường Niu Yoóc (Mỹ) thấp hơn 97 USD/thùng.
Thị trường giao dịch tại NewYork (Mỹ)
|
Đây là tín hiệu tích cực cho những nền kinh tế vốn đang ảm đạm; đồng thời là một thông tin được người tiêu dùng toàn cầu mong đợi. Thế nhưng, tốc độ giảm giá chóng mặt của mặt hàng chiến lược này lại khiến không ít các thành viên tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phát hoảng.
Mới chỉ cách đây gần 2 tháng, khi còn ngất ngưởng ở mức 147 USD/thùng, nhiều nhà kinh tế còn lo ngại, chẳng mấy chốc, giá “vàng đen” sẽ nhanh chóng leo tới 200 USD/thùng. Nếu giá dầu leo đến mức như vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị một cú sốc được dự báo; nó sẽ đẩy cao lạm phát và kìm hãm tốc độ phát triển của hầu hết các quốc gia. Vậy mà, chỉ một thời gian ngắn - nhất là khi tất cả đang bị cuốn vào “cuộc chiến” Nga - phương Tây sau sự kiện Nam Ô-xê-ti-a (từ đầu tháng 8) - thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm ngoạn mục của giá dầu - 30% trong có mấy chục ngày.
Chỉ riêng tuần trước, giá dầu đã sụt 10%, mức giảm mạnh nhất tính trong 1 tuần của 2 năm qua. Ngay cả khi OPEC, ngày 10-9, bất ngờ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 520.000 thùng dầu/ngày, tức là chỉ còn 28,8 triệu thùng/ngày và các cơn bão lớn liên tục tấn công nước Mỹ - nhất là các vựa dầu ở bang Tếch-dớt - thì vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy giá của mặt hàng này sẽ tăng trong những ngày tới.
Nguyên nhân giá dầu đang giảm trước tiên là do lần đầu tiên trong gần 1 năm qua, đồng USD đã tăng giá trở lại, mạnh nhất so với đồng ơ-rô khi các nhà đầu tư lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế châu Âu. Một nguyên nhân nữa còn do nền kinh tế các nước châu Á thời gian qua đều đang chững lại hoặc phải điều chỉnh giảm mức tăng trưởng. Đây là những khu vực chính có ảnh hưởng tới nhu cầu dầu. Yếu tố minh chứng cho nhu cầu dầu toàn cầu đi xuống là mới đây Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã điều chỉnh lại dự báo về mức tiêu thụ dầu của thế giới. Cụ thể, năm 2008, nhu cầu dầu sẽ giảm đi 100 nghìn thùng/ngày xuống 86,8 triệu thùng/ngày. Lượng dầu tiêu thụ năm 2009 sẽ giảm đi 140 nghìn thùng/ngày xuống 87,6 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, giá dầu giảm cũng là do những nguồn cung của các nước không phải thành viên OPEC như Nga và Na Uy đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải tỏa nguồn cung dầu vốn bị thắt chặt trong nhiều năm qua.
Sự đi xuống của giá dầu, đã khiến không ít thành viên của OPEC lo ngại; đồng thời, gây phân rẽ trong nội bộ khối này với những nước muốn giữ giá dầu tăng cao như I-ran, Vê-nê-xu-ê-la và một bên là Ả-rập Xê-út, Cô-oét... cho rằng mức giá như hiện nay là phù hợp.
Rõ ràng, cơn “sốt” giá dầu thời gian qua đã làm tăng sức mạnh và sự bùng phát kinh tế chưa từng có ở Trung Đông, Nga và Nam Mỹ. Các nhà xuất khẩu dầu có lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp, thu hút những hoạt động kinh doanh mới và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, trong lúc nền kinh tế thế giới suy yếu và người tiêu dùng giảm mức tiêu thụ thì chi phí năng lượng cao có thể làm tê liệt hoạt động xuất khẩu của một số thành viên OPEC. Bên cạnh đó, quyết định giảm cung của OPEC sẽ vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và các nước tiêu thụ dầu hàng đầu khác vì giá dầu tuy xuống mạnh nhưng vẫn cao hơn 14% so với cùng thời điểm năm 2007, và gấp 4 lần 5 năm trước. Theo ước tính của Bộ Năng lượng Mỹ, doanh thu từ xuất khẩu dầu của OPEC năm nay sẽ vượt quá 1 nghìn tỷ USD. Các nhà xuất khẩu đã kiếm được 642 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2008, gần bằng con số của cả năm 2007. Và đương nhiên, nếu giá dầu giảm như tốc độ hiện nay, OPEC sẽ thất thu hàng tỉ USD/ngày. Đây là lý do chính khiến OPEC phát hoảng vì giá dầu giảm.
Nghịch cảnh của thị trường luôn là vậy: kẻ mừng, người lo.
(Theo HaNoiMoiĐT)
Các tin khác
Đề xuất tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về xung đột tại Grudia trong tháng trước đã được Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU ủng hộ, Ngoại trưởng Pháp cho biết.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Công an tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 14-9 cho biết đã bắt giữ 19 người bị tình nghi phạm tội trong vụ sữa bột trẻ em nhãn hiệu Sanlu (Tam Lộc) bị nhiễm hóa chất độc hại gây bệnh sỏi thận.
Một phái đoàn của NATO do Tổng Thư ký Jaap de Hoop Scheffer dẫn đầu hôm nay (15/9) tới Grudia trong chuyến công du nhằm ủng hộ ước muốn gia nhập khối này của Grudia
Ngày 14/9, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã ra lệnh truy đuổi nhóm những kẻ giết hại 4 nhà báo tại thành phố Mosul, phía Bắc Iraq.