Thái Lan: bắt giữ lãnh đạo lực lượng biểu tình
- Cập nhật: Thứ hai, 13/4/2009 | 12:00:00 AM
Súng đã nổ và bạo lực đã xảy ra tại thủ đô Bangkok. Dấu hiệu của khủng hoảng chính trị đã trở lại Thái Lan.
Người biểu tình chiếm xe bọc thép ở Bangkok ngày 12-4.
|
Hôm qua, chính quyền đã chính thức công bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại Bangkok và một số khu vực ở năm tỉnh lân cận. Tình hình thêm phức tạp khi cựu thủ tướng Thaksin đã chính thức kêu gọi những người ủng hộ tiến hành nổi loạn. Trong một phát biểu qua truyền hình tối qua, ông Thaksin tuyên bố sẵn sàng về nước dẫn đầu các cuộc tuần hành nếu cần thiết.
Ngay sau khi đưa ra thông báo, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã lên truyền hình để giải thích về quyết định trên. Ông cho biết chính phủ phải hành động trước khi tình trạng bất ổn leo thang thêm. Thủ tướng Thái Lan cũng tuyên bố chính quyền sẵn sàng hành động cứng rắn hơn nếu lực lượng biểu tình không chấm dứt các hoạt động chống đối. “Chính phủ cần phải triển khai các biện pháp cho phép trong quy định về tình trạng khẩn cấp để đem lại thanh bình cho đất nước”.
Nguy cơ đảo chính mới
Tình hình bất ổn ở Thái Lan đã khiến các nước ra cảnh báo đối với người dân của mình. Bộ ngoại giao các nước Anh, Singapore, Úc đã cùng ra cảnh báo đối với người dân nên tránh việc đi lại tới Thái Lan. |
Reuters cho biết lực lượng an ninh đầu tiên không chặn những người biểu tình đi vào tòa nhà nhưng sau đó đã bắn chỉ thiên để chặn họ. Một số người biểu tình đã vô hiệu hóa xích của hai xe bọc thép gần trụ sở lực lượng cảnh sát. Một số đã trèo lên xe bọc thép để nhảy múa ăn mừng. Một phóng viên của Reuters nói đã thấy bom xăng, gậy gỗ, các thanh sắt đã được lực lượng biểu tình phân phát cho nhau.
Trong ngày, chính phủ Abhisit đã tiến hành bắt giữ lãnh đạo lực lượng áo đỏ Arisman Pongruengrong. Cùng lúc, Thủ tướng Abhisit tuyên bố sẽ có các biện pháp xử lý pháp luật đối với những người đã đột nhập khu hội nghị tại Pattaya.
Tại Bangkok, thông tin về đảo chính hoặc giải tán hạ viện lại rộ lên do người ta nhận thấy sự thiếu hợp tác của cảnh sát và quân đội trong việc ngăn cản những người biểu tình xông vào khu hội nghị ở Pattaya. Không thể không đặt câu hỏi khi chỉ khoảng 2.000 người biểu tình với gậy và súng cao su có thể làm gián đoạn một hội nghị tầm châu lục được hơn 8.000 cảnh sát và binh sĩ bảo vệ.
Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết các cuộc biểu tình của lực lượng áo đỏ đã được tiến hành ở 29 tỉnh, thành với sự tham gia của khoảng 6.800 người. Nếu so với các cuộc biểu tình hàng vạn người của lực lượng áo vàng (chống chính phủ thân Thaksin trước kia), lực lượng này thật là quá khiêm tốn.
Lực lượng áo đỏ dùng gậy và dùi cui tấn công xe của Thủ tướng Abhisit. |
Chỉ trích cả hai phía
Tờ The Nation đã chỉ trích những người biểu tình và gọi sự kiện quấy phá hội nghị là việc “quốc gia bị phản bội bởi chính người dân”. Cùng lúc, Thủ tướng Abhisit bị phê phán vì không hành động kiên quyết và chỉ tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi tình hình đã quá muộn.
Trên Bangkok Post có bài viết của cây bút Voranai Vanijaka chỉ trích chính phủ đã sợ hãi, không dám hành động để tình trạng vô chính phủ diễn ra khiến dân thường phải chịu hậu quả. Ông Voranai cho rằng địa điểm tổ chức hội nghị là nơi rất dễ bảo vệ khi tọa lạc ở một nơi cao và chỉ có đường độc đạo dẫn lên. Việc không bảo vệ được địa điểm này chỉ do lỗi của chính phủ.
Một quan chức thương mại Indonesia nói sự cố này là “điều xấu hổ cho cả ASEAN nói chung và nước Thái Lan chủ nhà”, đặc biệt là đối với thế giới. Đây là lần đầu tiên Hội nghị cấp cao ASEAN bị buộc phải hoãn bởi người biểu tình. Việc ký kết thỏa thuận với Trung Quốc và Ấn Độ bị hủy cũng như việc thảo luận về quỹ cứu trợ khẩn cấp cho các nước đã buộc phải đình lại. Tuy vậy, một quan chức Bộ Thương mại Thái Lan nói các lãnh đạo ASEAN sẽ gặp gỡ tại Bangkok lần nữa vào tháng 8 để ký hai hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Ấn Độ.
Tiến sĩ Thewanaruemitkul của ĐH Thammasat nói chính quyền đã đánh giá không đúng tình hình, và cho rằng cách duy nhất để vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại là ông Abhisit tiến hành giải tán hạ viện, trong khi cả hai phe Đảng Dân chủ và Pheu Thai đối lập cùng thỏa thuận là sẽ tôn trọng kết quả bầu cử dù người thắng cuộc là ai. Nhà bình luận chính trị Thitinan Pongsudhirak nói các cuộc biểu tình chống đối đã làm suy yếu nghiêm trọng chính quyền đang gặp nhiều khó khăn của ông Abhisit. Ông cho rằng không thể chấm dứt được tình trạng bế tắc chính trị ở Thái Lan trong nhiều tháng tới.
(Theo TTO)
Các tin khác
Rạng sáng 13/4, tiếng súng đã vang lên tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan khi binh sĩ và xe tăng tiến vào để giải tán những người biểu tình chống chính phủ. Ít nhất có 49 người đã bị thương.
Theo dự kiến, vào hôm nay, 13-4, các thành viên của HĐBA LHQ sẽ nhóm họp bỏ phiếu về bản dự thảo lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Sau những vụ bắn giết kinh hoàng tại Mỹ, Đức… đến lượt Hà Lan chứng kiển bạo lực liên quan tới súng: ngày 11-4, một người đàn ông trung niên đã nã đạn vào một quán cà phê đông đúc ở Rotterdam, giết chết một người và làm bị thương ba người khác.
Hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại thành phố nghỉ mát Pattaya của Thái Lan, nơi các lãnh đạo châu Á đang tham dự Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài.