Bình Nhưỡng đe dọa sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân
- Cập nhật: Thứ hai, 15/6/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 13-6, ngay sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua lệnh nới rộng trừng phạt, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã đe dọa chiến tranh sẽ xảy ra với bất cứ quốc gia nào ngăn các tàu của nước này trên biển như khuyến nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Chủ tịch Kim Jong Il (giữa) buộc tội Mỹ đang hướng các tên lửa hạt nhân vào nước này và cảnh báo chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
|
Trong khi đó, AP dẫn lời các phương tiện truyền thông của CHDCND Triều Tiên trong ngày 13 và 14-6 nói Mỹ có 1.000 vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc và đang triển khai một lượng lớn vũ khí hạt nhân ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bài xã luận của mình, tuần báo Tongil Sinbo tố cáo: CHDCND Triều Tiên “hoàn toàn nằm trong tầm một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ và bán đảo Triền Tiên sẽ trở thành khu vực có khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân cao nhất trên thế giới”.
Kim Yoong Kyu, người phát ngôn của Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, đã phản bác khi cho rằng những cáo buộc đó là “vô căn cứ” và khẳng định Washington không có bom hạt nhân ở Hàn Quốc. Vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ đã được rút khỏi Hàn Quốc vào năm 1991 trong chương trình cắt giảm vũ khí sau chiến tranh lạnh.
Trong ngày 14-6, Hãng tin Yonhap nói Hàn Quốc và Mỹ đã huy động các vệ tinh gián điệp, máy bay trinh thám và mạng lưới tình báo mặt đất để thu thập chứng cứ về việc Bình Nhưỡng khởi động lại chương trình làm giàu uranium. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với AP rằng họ không thể xác nhận thông tin đó, còn Trung tâm Tình báo quốc gia Hàn Quốc lại không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng tuyên bố hơn một phần ba trong số 8.000 thanh nhiên liệu đã qua sử dụng mà nước này đang sở hữu đã được tái chế và tất cả lượng plutonium thu được sẽ dùng để chế tạo bom nguyên tử. AP nói Bình Nhưỡng có thể thu được 6-8kg plutonium, đủ để chế tạo ít nhất một quả bom nhiệt hạch nếu tất cả thanh nhiên liệu được tái chế. Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể có đủ lượng plutonium cho ít nhất sáu quả bom nguyên tử.
Nhà phân tích Kim Young Hyun của Đại học Dongguk ở Seoul nhận định Bình Nhưỡng đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Washington ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Trắng ngày 16-6, trong đó vấn đề CHDCND Triều Tiên chắc chắn sẽ chiếm một phần lớn trong nghị trình.
Ngoại giao chiến tranh Theo báo Joogang Ilbo của Hàn Quốc - một nhật báo có khuynh hướng bảo thủ ôn hòa, Bình Nhưỡng luôn theo đuổi một chính sách ngoại giao chiến tranh. Ngoại giao truyền thống là một phương cách để tránh xung đột. Thế nhưng, Bình Nhưỡng lại xem ngoại giao và chiến tranh là ngang hàng với nhau, nghĩa là đối thoại ngang với đối đầu. Bình Nhưỡng đe dọa là để thu hút sự chú ý của những bên đối thoại và để có thể đối thoại. Những vụ thử hạt nhân, bắn tên lửa, tấn công trên biên giới hàng hải giữa hai miền Triều Tiên..., đối với Bình Nhưỡng cũng là một phần của ngoại giao. Sau khi gây ấn tượng cho phía khác, Bình Nhưỡng tìm cách áp đặt các chủ đề thảo luận mà họ quan tâm. Một “thỏa thuận” có nghĩa là phía bên kia phải chấp nhận những yêu sách mà họ đưa ra. Các nhà thương thuyết CHDCND Triều Tiên đến bàn thương lượng với một nhiệm vụ là làm sao để những chỉ đạo của ông Kim Jong Il được chấp nhận và sẵn sàng rời bàn thương lượng hơn là nhượng bộ. Bằng cách này, Bình Nhưỡng có thể phá vỡ khuôn khổ do phía đối thoại ấn định cho họ. Vào đầu nhiệm kỳ của mình, tổng thống Mỹ G. Bush đã tuyên bố từ chối đối thoại với Bình Nhưỡng một khi nước này còn đang sở hữu các thiết bị hạt nhân. Sau đó, ông ta muốn đối thoại trong lúc vẫn tiếp tục từ chối thương lượng. Cuối cùng, ông ta lại chấp nhận thương lượng với điều kiện quốc tế tiến hành thanh tra toàn diện các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhưng Bình Nhưỡng từ chối tất cả những đề nghị này. Sau khi xâm chiếm Iraq xong, giờ đây Washington lại muốn gây sức ép với Bình Nhưỡng về kinh tế và ngoại giao. |
(Theo TTO)
Các tin khác
Hãng Interfax ngày 14/6 dẫn lời phó Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga, thượng tướng Anatoly Nogovitsyn cho biết, Nga sẽ triển khai hệ thống phòng không S-400 tại khu vực Viễn Đông trong thời gian tới.
Ngay sau khi Chính phủ Iran tuyên bố đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad giành chiến thắng với 62,63% số phiếu bầu, chính quyền Mỹ đã bác bỏ kết quả bầu cử của Iran.
Tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Novartis hôm 12/6 tuyên bố đã sản xuất thành công mẻ vắc xin chống virus cúm A/H1N1 đầu tiên sớm hơn thời gian dự kiến nhiều tuần.
Bộ Nội vụ Iran, hôm 13/6, cho biết Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử sau khi 61% số phiếu được kiểm. Tuy nhiên, đối thủ của ông cũng tuyên bố chiến thắng và cảnh báo có thể có gian lận kiểm phiếu.