Hội nghị hạt nhân trong an ninh nghiêm ngặt
- Cập nhật: Thứ ba, 13/4/2010 | 8:04:35 AM
Ngày 12-4, tại Washington, Mỹ, đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên về an ninh hạt nhân, với sự tham gia của lãnh đạo nước chủ nhà và 46 nhà lãnh đạo khác trên thế giới cùng nhiều tổ chức quốc tế là LHQ, Liên minh châu Âu, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị.
Nỗ lực tiến tới một thế giới không vũ khí hạt nhân
Hội nghị diễn ra trong điều kiện an ninh thắt chặt. Hội nghị lần này được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh), nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh đối với vật liệu hạt nhân, chống lại việc vận chuyển, chuyển giao trái phép vật liệu hạt nhân và các thông tin công nghệ nhạy cảm.
47 nhà lãnh đạo các quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ thảo luận vấn đề quản lý các kho uranium làm giàu ở cấp độ cao. Tiến tới nhất trí các biện pháp an ninh đối với nhiên liệu hạt nhân và tăng cường quản lý các kho nhiên liệu hạt nhân ở các nước còn yếu kém trong công tác bảo quản.
Hội nghị này được xem là hội nghị tiền đề của Hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân của LHQ sẽ được tổ chức trong hai tuần tới, nhằm hướng đến mục tiêu một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Ông Obama đã có một loạt các cuộc gặp song phương để thảo luận chủ đề này với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Kazakhstan, Nam Phi, Pakistan, Nigeria vào ngày 11-4. Hãng AFP đưa tin, theo ông Obama, nguy cơ lớn nhất đối với an ninh nước Mỹ, cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, là vũ khí hạt nhân rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Ông cho biết, các tổ chức khủng bố, như mạng lưới al-Qaeda, đang mưu toan sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu chúng đạt được mục tiêu này, thực trạng an ninh của nước Mỹ và toàn thế giới trong những năm tới sẽ thay đổi. Khi đó, các vụ khủng bố hạt nhân sẽ để lại vết thương nghiêm trọng về an ninh, chính trị và kinh tế trên toàn cầu.
Trước thềm diễn ra hội nghị, Washington đã có hai động thái khiến cộng đồng quốc tế chú ý. Đầu tiên là việc công bố chính sách hạt nhân hứa hẹn giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ trong khi tái khẳng định những cam kết mở rộng lực lượng răn đe hạt nhân đối với các đồng minh của họ. Tiếp theo là hoàn thành việc ký kết hiệp ước START mới với Nga, thỏa thuận cắt giảm kho vũ khí chiến lược và đầu đạn hạt nhân.
Những bất đồng sâu sắc quanh việc giải giáp hạt nhân
Chưa có lời dự đoán nào về kết quả của hội nghị nhưng theo các nhà phân tích, mục tiêu tiến tới một thế giới phi hạt nhân do Mỹ đề ra không thể thực hiện được chỉ trong hai ngày, cần một tiến trình lâu dài. Nhất là khi hội nghị diễn ra trong bối cảnh một số nước sở hữu hạt nhân như Iran, CHDCND Triều Tiên, Syria tuyên bố tẩy chay. Iran, CHDCND Triều Tiên nói rằng, họ có lý do để lập ra kho vũ khí hạt nhân, vì Mỹ có “sách lược đô hộ thế giới”.
Cả Israel, đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông, cũng chỉ cử phó thủ tướng đến tham dự thay vì thủ tướng, vì lo ngại các quốc gia Hồi giáo sẽ ép nước này phải ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama tham dự hội nghị hạt nhân nhưng cũng sẽ không có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Obama như thông báo ban đầu. Lý do chính thức chưa được công bố, nhưng theo báo chí Nhật Bản, dường như những căng thẳng xung quanh vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma chưa được dứt điểm.
Bên cạnh đó việc thỏa thuận hạt nhân bí mật giữa Mỹ và Nhật Bản ký kết vào những năm 1960 cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ Nhật Bản để quá cảnh, đi ngược lại với cam kết của chính quyền Tokyo thời đó là “ba nguyên tắc chống hạt nhân”, được thông qua năm 1968. Nhật Bản không cho phép tự chế tạo, sở hữu hoặc đón nhận các vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ của mình. Vũ khí hạt nhân là vấn đề rất nhạy cảm tại Nhật Bản.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Uỷ ban bầu cử Thái Lan hôm qua quyết định giải tán đảng Dân chủ, hiện đứng đầu chính phủ liên minh của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, từ ngày 12/4, chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) bắt đầu thực hiện quy định giờ làm việc mới từ 9 giờ tới 18 giờ hàng ngày.
Quân đội Ấn Độ đang phát triển một loại tên lửa hành trình “tàng hình” có tầm bắn xa 1.000 km, theo tiết lộ của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO).
Từ 12 giờ trưa 11/4, trên toàn lãnh thổ Ba Lan bắt đầu tổ chức các hoạt động để tang Tổng thống Lech Kaczynski, người đã thiệt mạng do tai nạn máy bay Tu-154M tại thành phố Smolensk của Nga sáng 10/4.