Triều Tiên hủy cơ chế ngăn chặn xung đột với Hàn Quốc
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/5/2010 | 8:17:04 AM
Triều Tiên ngày 27/5 công bố sẽ hủy bỏ đường dây nóng dùng để ngăn chặn các vụ đụng độ giữa hải quân nước này với Hàn Quốc, trong lúc quân đội của Seoul tập trận chống tàu ngầm.
Các tàu chiến của hải quân Hàn Quốc trong cuộc tập trận ngày 27/5.
|
Đường dây nóng được thiết lập sau các vụ đọ súng chết người trên biển năm 1999 và 2002. Việc bỏ đường dây này càng làm tăng nguy cơ xung đột trên vùng biển tây Triều Tiên, nơi tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc chìm hôm 26/3, tờ NYT nhận định.
Triều Tiên tuyên bố "hoàn toàn xóa bỏ" một hiệp định liên Triều, trong đó quy định các biện pháp ngăn chặn xung đột vũ trang trên biển tây - nơi từng diễn ra ba trận hải chiến đẫm máu giữa hai miền nam bắc bán đảo. Hiệp định này kêu gọi hải quân hai nước thông tin cho nhau thông qua một sóng radio cụ thể, và duy trì đường dây nóng để giải quyết các xung đột phát sinh.
"Chúng tôi sẽ ngay lập tức tấn công vũ trang đối với bất kỳ người nào xâm nhập qua hải giới", hãng thông tấn KCNA dẫn lời một quan chức quân sự Triều Tiên cho hay. Ông này đề cập đến hải giới mà Triều Tiên tuyên bố, hiện nằm sâu trong vùng nước mà Hàn Quốc đang quản lý.
Sau cuộc chiến năm 1950-53, hai nước không đồng ý với nhau về đường ranh giới trên biển phía tây. Hàn Quốc coi đường ranh giới do phái bộ của Liên Hợp quốc - được Mỹ hậu thuẫn - vạch ra (NLL) là hải giới trên thực tế, trong khi Triều Tiên không công nhận bởi cho rằng NLL phải lùi sâu xuống phía nam hơn nữa.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên đến mức nghiêm trọng kể từ sau vụ tàu Cheonan chìm trên biển tây, và càng leo cao hơn nữa sau khi Hàn Quốc công bố báo cáo của ủy ban điều tra quốc tế quy trách nhiệm cho Bình Nhưỡng vì vụ chìm tàu. Hai bên liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau.
Hôm nay Hàn Quốc tiến hành tập trận trên biển chống tàu ngầm, với sự tham gia của 10 tàu chiến, trong đó có các khu trục hạm và pháo hạm Địa điểm tiến hành tập trận cách xa khu vực tranh chấp trên biển. Seoul cũng cho nối lại chiến tranh tâm lý ở khu vực biên giới với Triều Tiên.
Lực lượng quân sự phối hợp Mỹ - Hàn đã tăng mức cảnh báo thêm một bậc, từ 3 lên 2. Mức 1 là cao nhất, báo chí Hàn Quốc hôm nay cho hay. Theo tờ JoongAng Ilbo, điều này có nghĩa là các vệ tinh do thám và máy bay trinh sát U-2 sẽ tăng tần suất theo dõi các động thái của Triều Tiên.
Đường ranh giới NLL - màu đỏ - do phái bộ Liên hợp quốc vạch ra sau chiến tranh Triều Tiên. |
Bình Nhưỡng đe dọa sẽ đóng cửa hành lang giao thông và thông tin ở biên giới trên bộ, con đường mà hàng trăm người Hàn Quốc đang sử dụng để đi lại khu công nghiệp Kaesong trên đất Triều Tiên. Hơn 100 công ty của Hàn Quốc đang hoạt động ở đây.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố muốn tự điều tra và cần chắc chắn "100% bằng chứng" chứng tỏ Triều Tiên có dính dáng đến vụ chìm tàu. Matxcơva cho hay họ cần đảm bảo thông tin chính xác trước khi ra quyết định.
"Các chuyên gia của chúng tôi đang xem xét những bằng chứng có trong tiến trình điều tra. Chúng tôi cần rút ra kết luận của riêng mình về chuyện gì đã xảy ra. Mọi việc đều phụ thuộc vào tình hình và bản thân các chứng cứ", phát ngôn viên ngoại giao Nga tuyên bố hôm nay. Matxcơva cũng tỏ ý không hài lòng vì không có đại diện trong ủy ban điều tra vụ tàu Cheonan, AP dẫn lời một quan chức không nêu tên trong hải quân Nga cho biết.
Hàn Quốc dự định đưa vấn đề Cheonan ra Hội đồng Bảo an để tìm kiếm lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên. Trong số các thành viên thường trực hội đồng, Mỹ và Anh đã bày tỏ sự ủng hộ Hàn Quốc, lên án Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi ở thăm Seoul hôm qua kêu gọi thế giới cần hành động kiên quyết trong sự kiện này.
Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế vì lợi ích lâu dài và hòa bình ổn định ở khu vực.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Các nhà khoa học cảnh báo một núi lửa khác tại Iceland - còn lớn hơn và hoạt động mạnh hơn núi lửa ở sông băng Eyjafjallajokull - đang có nguy cơ bùng nổ chỉ trong nay mai.
Sáng nay (28/5), một trận động đất lớn đã làm rung chuyển quốc đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương, khiến giới hữu trách phải ban bố cảnh báo sóng thần tại nhiều đảo quốc và nhiều lãnh thổ ở khu vực. Cảnh báo này sau đó được rút lại.
Ít nhất 10 người thiệt mạng và 40 người khác mất tích khi một chiếc phà bị chìm vào sáng ngày 26-5 trên sông Amazon đoạn chảy qua Peru gần biên giới với Colombia. Các quan chức sở tại cũng nói họ đã cứu được hơn 200 hành khách trên phà.
Bình Nhưỡng hôm 26-5 dọa sẽ cấm việc đi lại tại các cửa khẩu đường bộ biên giới giữa hai miền Triều Tiên và sẽ cho nổ tung bất cứ hệ thống loa phóng thanh nào của Hàn Quốc phát các nội dung tuyền truyền chiến tranh tâm lý hướng về miền Bắc.