Thế giới ưa gì, ghét gì ở Obama?
- Cập nhật: Thứ hai, 21/6/2010 | 2:47:49 PM
Sự ngưỡng mộ dành cho Barack Obama khi ông bước vào Nhà Trắng giờ đây có thể đã vơi bớt nhưng ông vẫn là một nhân vật được yêu mến và tín nhiệm ở nhiều nơi trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đối mặt với nhiều thách thức lớn khi ông lên nắm quyền.
|
Việc Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm sống lại hình ảnh của đất nước này trên toàn cầu. Nhiều người ở châu Âu, Mỹ Latinh, châu Á và các khu vực khác tiếp tục có thiện cảm với ông và ủng hộ cách thức nhà lãnh đạo này xử trí các vấn đề của thế giới như biến đổi khi hậu và khủng hoảng kinh tế.
Tuy vậy, một năm sau khi Obama có bài phát biểu ở Cairo, ông nhận được sự đánh giá khá khiêm tốn ở nhiều quốc gia Hồi giáo. Thậm chí ở cả những quốc gia có đông đảo người yêu mến ông, nhiều người không đồng tình với cách thức Tổng thống Mỹ giải quyết một số điểm nóng của thế giới như Afghanistan, Iraq, Iran và cuộc xung đột Israel - Palestine.
Một cuộc khảo sát mới do Chương trình Các quan điểm Toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, phần lớn số người được hỏi ở 16 trong số 22 quốc gia ít nhất cũng bày tỏ một sự tin tưởng nào đó vào tài năng lãnh đạo của Obama trong các vấn đề quốc tế.
Quan điểm này đặc biệt phổ biến ở Tây Âu, nơi hiện tượng Obamamania bùng nổ ngay từ khi ông còn chưa lên làm Tổng thống.
Chẳng hạn như ở Đức. Theo một cuộc thăm dò mùa xuân năm 2009, vài tháng sau khi Obama nhậm chức, có tới 93% người Đức nói họ tin tưởng Obama; một năm sau, 90% vẫn theo xu hướng này.
Ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha, người dân cũng bày tỏ tình cảm tương tự.
Và sự nổi tiếng của Obama không chỉ giới hạn ở châu Âu. Có tới hơn 70% số người được hỏi ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nigeria có cái nhìn tích cực về Obama. Thậm chí ở Kenya, quê cha đẻ của Obama, con số này là 95%.
Obama cũng được nhiều người yêu quý ở Indonesia, nơi ông từng sống một phần tuổi thơ. Khảo sát cho thấy, 2/3 số người được hỏi ở quốc đảo này tin tưởng vào tài năng lãnh đạo của người đứng đầu nước Mỹ.
Lo ngại của người Hồi giáo
Tuy nhiên, ngoài Indonesia, ông nhận được sự đánh giá không mấy thiện cảm ở thế giới Hồi giáo.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Jordan, 1/3 hoặc ít hơn tỏ thái độ tích cực với Obama. Còn tại Pakistan, đất nước đóng vai trò cốt yếu đối với các lợi ích an ninh Mỹ, chỉ 8% cảm thấy như vậy, bằng mức độ ủng hộ dành cho cựu Tổng thống George W. Bush khi ông này đương nhiệm năm cuối cùng.
Thay vào đó, nhiều người vẫn bày tỏ sự lo ngại về quyền lực và các chính sách Mỹ, cũng giống như thời ông Bush. Ở đa số nước này, hầu hết người dân tin rằng Mỹ hành động một cách đơn phương trong các vấn đề quốc tế, rất ít người ủng hộ nỗ lực chống khủng bố của chính quyền Washington và, có lẽ đáng chú ý nhất, phần lớn số người ở 6 nước đông dân Hồi giáo khi được hỏi cho biết, họ nghĩ một ngày nào đó Mỹ có thể là một mối đe dọa quân sự đối với quê hương họ.
Bên cạnh đó còn có nhiều lo ngại về vai trò của Mỹ trên toàn cầu.
Ngay cả ở Tây Âu vốn ủng hộ Obama, phần lớn người được hỏi nói rằng Mỹ không tính đến lợi ích của họ khi hoạch định chính sách.
Các cuộc chiến của Mỹ
Các chính sách của Obama, nói chung, được đón chào nồng nhiệt: phần lớn người được hỏi ở 16 trong tổng số 22 quốc gia nói họ ủng hộ các chính sách quốc tế của ông.
Ông cũng có xu hướng nhận sự đánh giá cao về cách xử lý hai vấn đề lớn của toàn cầu: biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế.
Obama nhận được ý kiến trái chiều về cách thức xử lý vấn đề Iran, và đa số không tán thành cách ông giải quyết các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
Năm ngoái, cuộc khảo sát của Pew đã cho thấy sự hoài nghi đáng kể về các kế hoạch của Obama gửi thêm quân đội tới Afghanistan và, trong một cuộc khảo sát mới đây, đa số ở hầu hết các quốc gia muốn Mỹ cùng NATO rút quân khỏi đất nước Nam Á này.
Tuy nhiên, ông Obama bị chỉ trích nhiều nhất về cách thức giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.
Ảnh hưởng Arizona
Ở ba nước Ảrập là Ai Cập - Jordan và Lebanon, hơn 80% phản đối cách thức ông Obama xử lý cuộc xung đột Israel - Palestine. Nhà lãnh đạo này cũng không được đánh giá cao về phản ứng của ông trước luật nhập cư mới của Arizona.
Luật mới - cho phép cảnh sát kiểm tra giấy tờ bất kỳ một người nào có dấu hiệu khả nghi để biết người đó có quyền định cư hợp pháp trên đất Mỹ hay không - đã làm tổn hại hình ảnh của Mỹ ở Mexico, và dù ông Obama chỉ trích quy định mới này nhưng uy tín của ông vẫn ảnh hưởng.
Theo một cuộc thăm dò dư luận, đánh giá chung về đương kim Tổng thống Mỹ đã xấu đi sau khi quy định mới được Thống đốc Arizona Jan Brewer ký thành luật.
Trong số những người Mexico được hỏi trước khi luật được ban hành, 47% người tín nhiệm Tổng thống Obama; sau khi luật được ban hành, con số này giảm xuống còn 36%.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Các trận lũ lụt và lở đất ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc trong tuần qua đã làm gần 100 người thiệt mạng, 50 người mất tích và khoảng 1,4 triệu người phải sơ tán do mực nước tại hàng chục con sông dâng lên tới mức báo động.
Nhà chức trách ở Arkansas đã mở cuộc điều tra sau khi 40-60 đầu người được tìm thấy trong một lô hàng do máy bay hãng hàng không Southwest Airlines vận chuyển.
Khoảng 70 thợ mỏ có thể đã chết trong một mỏ than ở Colombian sau khi xảy ra vụ nổ khủng khiếp trong lòng đất tối hôm 17/6 ở gần thành phố Medellin, vào đúng thời điểm giao ca – cơ quan chức năng nước này cho biết.
Bộ Tài chính Mỹ vừa thông báo các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này. Đây là bước đi đầu tiên của Mỹ, nhằm thực hiện nghị quyết trừng phạt Iran do Hội đồng Bảo an LHQ thông qua cuối tuần trước.