Sự thật không thể lảng tránh
- Cập nhật: Thứ tư, 14/7/2010 | 8:05:35 AM
Ngày mai (15-7, giờ Washington), Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần lần thứ III về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam nhằm xem xét cách thức đáp ứng các yêu cầu của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Nhiều hoạt động của bạn bè quốc tế ủng hộ, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
|
Phiên điều trần do Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và các vấn đề môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega khởi xướng để kêu gọi sự công bằng và hỗ trợ của Chính phủ Mỹ với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cũng như chăm sóc sức khỏe con cái cựu chiến binh Mỹ và những người Mỹ bị nhiễm chất độc này. Hạ nghị sĩ Faleomavaega cũng là người đề xuất và điều hành phiên điều trần lần thứ I vào tháng 5-2008 và lần thứ II vào tháng 6-2009.
Từ năm 1995, Việt Nam và Mỹ - 20 năm sau chiến tranh - đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ song phương. Các hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại đến chính trị, giáo dục và văn hóa cũng như môi trường, an ninh quốc phòng... không ngừng được đẩy mạnh suốt 15 năm qua. Nhiều vấn đề nhân đạo xã hội nhạy cảm như: tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), vấn đề con lai, đoàn tụ gia đình... đã để lại ấn tượng tốt đẹp về mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương đang đơm hoa kết trái.
Mặc dù còn phải chịu đựng nhiều hậu quả lâu dài của chiến tranh, nhưng với tinh thần hòa hiếu nhân đạo, nhân dân Việt Nam đã góp phần hàn gắn vết thương trong quá khứ cho nhiều gia đình Mỹ. Tuy nhiên, giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin, một vấn đề gây bao đau thương và nhức nhối cho nhiều gia đình Việt Nam vẫn chưa được Chính phủ Mỹ qua nhiều đời tổng thống nhìn nhận một cách tích cực.
Thực tế, thật trái ngược khi các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được Chính phủ Mỹ thừa nhận và bồi thường thiệt hại, còn các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lại bị chối bỏ? Dù những năm qua, Chính phủ Mỹ đã có những gói tài trợ nhằm khắc phục một phần hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam, song dù như vậy, nó cũng chỉ nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ nhân đạo. Do đó, cùng với nhân dân tiến bộ trên thế giới trong đó có cả nhân dân Mỹ, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam quyết theo đuổi cuộc đấu tranh vì công lý, vì đạo lý, vì quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người.
Trong phiên điều trần lần thứ II (tháng 6-2009) tại Mỹ với chủ đề: "Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta cần làm gì để đề cập đến tác động chất độc da cam tại Việt Nam", Hạ nghị sĩ Faleomavaega đã phát biểu: "Chính sách của Mỹ hiện nay là bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và bình thường hóa quan hệ cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với quá khứ chúng ta gây ra". Quá khứ này đã được các giáo sư Việt Nam và Mỹ chỉ rõ rằng việc quân đội Mỹ rải hơn 20 triệu ga-lông chất diệt cỏ chứa chất độc da cam/dioxin tại miền Nam Việt Nam đã khiến hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc này ở những mức độ khác nhau với các di chứng như ung thư, dị dạng bẩm sinh có thể kéo theo nhiều thế hệ nữa. Những tác động về môi trường cũng hết sức nặng nề, đặc biệt tại những khu vực bị rải độc nhiều lần và những nơi có kho chứa chất độc này tại các căn cứ quân sự cũ.
Mặc dù giữa các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ còn có những đánh giá và tính toán khác nhau về tác động thực sự mà chất độc da cam/dioxin gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam, cũng như về mức độ trợ giúp của Mỹ nhằm giúp Việt Nam khắc phục hậu quả. Nhưng điểm khá tương đồng là họ đều thấy nước Mỹ cần phải gánh vác và chia sẻ trách nhiệm trên thực tế. Và trên hết, các nhà hoạch định chính sách Mỹ không thể lảng tránh sự thật này. Từ năm 1988 đến nay, Mỹ đã trợ giúp Việt Nam 44 triệu USD để giúp đỡ người tàn tật và từ vài ba năm gần đây, trong kế hoạch phân bổ ngân sách, Mỹ đều dành một ngân khoản giúp Việt Nam tẩy độc môi trường tại một số điểm nóng và các trợ giúp về nhân đạo, môi trường. Gần đây, Quốc hội và chính quyền Mỹ cũng đã phê chuẩn và thông qua khoản kinh phí 3 triệu USD từ ngân sách tài khóa 2007 và một khoản tương tự từ năm 2009 để giúp đỡ cho các dự án tẩy đất và nước bị phơi nhiễm ở khu vực sân bay Đà Nẵng và giúp một số trung tâm chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam...Những dự án này góp phần giảm bớt nỗi đau da cam nhưng vẫn còn như "muối bỏ bể" so với mức đồ sộ và lâu dài của tác hại do chất độc da cam/dioxin gây ra.
Tổng biên tập nguyệt san Washington Paul Glastris đã nêu rõ, vấn đề chất độc da cam/dioxin "không bao giờ thực sự mất đi" và chất độc này vẫn là mối đe dọa sinh mạng nhiều người dân Việt Nam, không chỉ những người trực tiếp bị nhiễm độc trong chiến tranh mà cả thế hệ con cháu họ. Ông cho rằng, sự hợp tác của phía Mỹ với Việt Nam thời gian qua trong xử lý hậu quả của chất độc da cam/dioxin mới chỉ là "bước đi đầu tiên" và hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tiến trình này.
Sự kiện Đồi Capitol một lần nữa lắng nghe về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam nhằm tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng cho một "di sản" đáng sợ đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ (1995-2010) sẽ không chỉ giúp tiếp tục xây dựng và củng cố lòng tin giữa hai dân tộc mà còn hứa hẹn mở ra nhiều khả năng hợp tác mới trong các lĩnh vực giữa hai quốc gia đôi bờ Thái Bình Dương
(Theo HNM)
Các tin khác
Trung Quốc đang phải vất vả đối phó với nguy cơ nhiều đập, đê bị vỡ vì mưa lũ kéo dài vốn đã ảnh hưởng hàng trăm ngàn người.
Hôm nay 13-7, ít nhất ba người thiệt mạng và hơn 50 người khác đã mất tích sau một trận lở đất khủng khiếp do mưa lũ gây ra ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Trong lúc CHDCND Triều Tiên có động thái giảm căng thẳng trong vụ chìm tàu Cheonan thì Hàn Quốc vẫn duy trì các biện pháp trả đũa miền Bắc.
5 vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo như dự kiến, trong điều kiện thời tiết lí tưởng. Ngày 12/7, Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đưa thành công 5 vệ tinh vào quỹ đạo, trong đó có vệ tinh cảm ứng điều khiển từ xa hiện đại Cartosat-2B của Ấn Độ; một vệ tinh của Algeria và 3 vệ tinh nhỏ hơn của Ấn Độ, Canada và Thụy Sĩ.