LHQ tấn công dữ dội dinh thự Tổng thống Bờ Biển Ngà

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/4/2011 | 8:51:55 AM

Hàng loạt máy bay trực thăng tấn công của Pháp và Liên Hợp Quốc hôm qua (4/4) đã tấn công liên tiếp vào dinh thự của Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo cũng như các căn cứ chính của ông này.

Song song với các cuộc không kích, các lực lượng trung thành với Tổng thống vừa mới được bầu Alassane Ouattara đã tiến hành một cuộc tấn công toàn diện chống lại quân của ông Gbagbo. Đây được xem là trận quyết chiến cuối cùng nhằm buộc ông Gbagbo phải từ chức sau khi ông này thất bại trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái nhưng nhất định không chịu ra đi.

Các máy bay trực thăng tấn công của Pháp và Liên Hợp Quốc đã nã đạn vào những mục tiêu liên quan đến Tổng thống Gbagbo như dinh thự riêng của ông này và các căn cứ quân sự trong thành phố chính Abidjan chỉ vài giờ sau khi các chiến binh ủng hộ ông Ouattara châm ngòi cho trận quyết chiến cuối cùng, một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết. 

Tiếng đạn pháo nổ vang trời làm rung chuyển cả thành phố Abidjan. Các cuộc giao tranh ác liệt kéo dài suốt cả đêm qua, phóng viên AFP cho biết.

"Trận quyết chiến cuối cùng đang diễn ra nhằm chiếm giữ dinh thự và các sào huyệt của Tổng thống Gbagbo. Chiến dịch này được dự kiến sẽ kết thúc trong đêm nay," ông Sidiki Konate, phát ngôn viên cho Thủ tướng Guillaume Soro của Tổng thống vừa được bầu Ouattara, cho biết.

Ngoài nhằm vào dinh thự tổng thống, Lực lượng Liên Hợp Quốc và các binh lính Pháp đã tấn công vào kho vũ khí và các căn cứ quân sự của chính quyền Tổng thống Gbagbo.

Khoảng 5h chiều qua theo giờ địa phương (tức 0h đêm qua theo giờ Hà Nội), Liên Hợp Quốc đã không kích căn cứ quân sự Akouedo nhằm ngăn không cho các lực lượng của ông Gbagbo dùng vũ khí hạng nặng tấn công dân thường. Những tiếng nổ rầm rầm vang lên, khói lửa bay mù mịt khắp nơi xung quanh dinh thự và các căn cứ của Tổng thống Gbagbo.

Tổng thống Nicolas Sarkozy cho biết, ông đã ra lệnh cho lực lượng Liscorne hùng mạnh của Pháp với 1.600 binh lính đến hậu thuẫn cho chiến dịch chống ông Gbagbo theo yêu cầu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.

Sứ mệnh trên được thực hiện theo Nghị quyết 1975 của Liên Hợp Quốc được thông qua hôm 30/3. Nghị quyết này ra lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt với ông Gbagbo đồng thời cho phép các lực lượng Liên Hợp Quốc bảo vệ dân thường và ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạng nặng.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, 12.000 binh lính gìn giữ hòa bình của tổ chức này không có nhiệm vụ phải lật đổ Tổng thống Gbagbo.

Liên Hợp Quốc bắt đầu đưa binh lính vào can thiệp tình hình ở Bờ Biển Ngà sau 4 tháng nỗ lực bất thành nhằm tìm kiếm một con đường ra đi cho Tổng thống Gbagbo.

Ông Gbagbo đã không chịu từ chức dù thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái. Trong cuộc bầu cử này, người chiến thắng là ông Alassane Ouattara – một nhà kinh tế học làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông Gbagbo cứ khăng khăng khẳng định mình đắc cử trong khi chính Ủy ban bầu cử của ông này tuyên bố ông thất bại.

Ngay sau đó, những người ủng hộ Tổng thống được bầu – ông Ouattara đã phát động một chiến dịch nhằm buộc ông Gbagbo ra đi. Và các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng ủng hộ ông Ouattara và lực lượng trung thành với ông Gbagbo đã nổ ra vào cuối tuần vừa rồi. Chỉ trong vòng 3 ngày, quân của ông Ouattara đã thành công trong việc chiếm giữ gần như toàn bộ vùng nông thôn của Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, lực lượng này bắt đầu yếu dần đi khi đến thành phố lớn nhất đất nước – nơi có dinh thự và khu ở riêng của ông Gbagbo.

Những trận giao tranh ngày và đêm hôm qua được xem là trận quyết chiến cuối cùng giữa hai lực lượng. Tuy nhiên, hiện giờ vẫn chưa rõ bên nào giành chiến thắng.

Trong khi đó, hàng nghìn người nước ngoài đã chạy ra khỏi Bờ Biển Ngà. Bản thân Liên Hợp Quốc cũng đã buộc phải sơ tán 200 nhân viên của mình ra khỏi đây. Pháp cũng đã chiếm đóng sân bay chính ở thành phố Abidjan. 

Trước đó, có tin, 1000 người đã bị thảm sát bằng dao rựa và súng ở riêng thành phố Duekoue. Con số gây sốc này đủ cho thấy tính chất kinh hoàng và dữ dội của cuộc chiến hiện nay ở đất nước Bờ Biển Ngà.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Chỉ người dân Libya mới có thể quyết định liệu nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi có thể tiếp tục cầm quyền hay không.

Ngày 4/4, phát ngôn viên chính phủ Mussa Ibrahim cho biết Libya sẵn sàng tổ chức các buộc bầu cử và cải cách hệ thống chính trị của nước này nhưng chỉ người dân mới có thể quyết định liệu nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi có thể tiếp tục cầm quyền hay không.

Bộ trưởng Roesler trao đổi với Thủ tướng Angela Merkel trước một cuộc họp của chính phủ.

Bộ trưởng Y tế gốc Việt Philipp Roesler của Đức đang có nhiều khả năng trở thành Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) thuộc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel.

Gần 50 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong ba vụ đánh bom xảy ra chiều 3 - 4 tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Pakistan, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết.

Thứ trưởng ngoại giao Libya và Thủ tướng Hy Lạp.

Ngày 3/4, Thứ trưởng Ngoại giao Libya Abdelati Obeidi tuyên bố Chính phủ Libya muốn chấm dứt giao tranh. Thông điệp được ông Obeidi đưa ra trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tại thủ đô Athens.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục