Những đóng góp thầm lặng
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/4/2017 | 6:37:56 AM
YBĐT - Góp công trong việc lưu giữ những tư liệu quý của Đảng bộ huyện Lục Yên phải kể đến các đồng chí: Dương Văn Thống, Nông Thụy Sỹ, Hà Ngọc Lan, Cố Bính Tỉm, Dương Văn Vanh, Đỗ Ngọc Đãng… trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Yên tập 1 (1930 - 1954).
Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Yên là kho tư liệu quý cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện cùng tìm hiểu và học tập phát huy truyền thống.
|
Tiếp đến là: Hoàng Bích Nhung, Nông Đức Thẩm, Triệu Hùng Chuông, Triệu Ngọc Đắng… trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Yên (1930 - 2005). Hiện nay, cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Yên (1930 - 2015) đang được biên soạn, bổ sung và chuẩn bị tái bản lần thứ ba.
Một trong những người được coi là “khai sơn, phá thạch” cho bản thảo Lịch sử Đảng bộ huyện lần thứ 2 chính là ông Hoàng Bích Nhung (tên thật là Mông Ngọc Hưởng) ở xã Yên Thắng. Ngoài 80 tuổi, sức khỏe đã giảm nhưng nhắc đến chuyện viết sử, ông Hưởng vẫn say sưa kể về những chuyến đi tìm tư liệu, trong đó ấn tượng nhất là chuyến đi Cao Bằng gặp đồng chí Đội Hà và con cháu của đồng chí Đội Anh – những người thuộc đoàn quân Tây Tiến năm xưa được cử đến xây dựng phong trào cách mạng ở Lục Yên.
Vì những người cần gặp để củng cố tư liệu hoặc đã cao tuổi, trí nhớ giảm sút hoặc không trực tiếp chứng kiến diễn biến lịch sử của Đảng bộ huyện nên bản thân ông vừa ghi chép thông tin, thu thập tài liệu vừa phải ghép nối với những tư liệu đã có để đưa ra được kết quả chính xác nhất.
Ông chia sẻ: “Tôi được giao làm chủ bút cùng với anh Nông Thụy Sỹ. Thuận lợi của tôi là đã từng viết sách nên nắm rõ quy trình để ra một cuốn sách, tuy nhiên, trước đây, chỉ viết sách văn học còn sách chính trị thì lại hoàn toàn khác”.
Cái khó nhất với ông có lẽ không phải là những chuyến đi tìm tư liệu mà là việc đọc, hiểu và chắp nối mọi dữ liệu với nhau. Việc viết sách lịch sử phải theo nguồn sử liệu, vì vậy, người viết phải hiểu rõ bản chất vấn đề trước khi xây dựng đề cương cho cuốn sách. Dành hết tâm huyết và sức lực của mình, từ năm 2003 đến giữa năm 2004, ông Hưởng cùng ban biên tập đã hoàn thành bản thảo Lịch sử Đảng bộ huyện để trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét.
Sau ông Hưởng là ông Nguyễn Duy Đức - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy - người được đánh giá là tích cực trong thực hiện cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện đầu tiên. Ông Đức cho biết, khó khăn lớn nhất là tìm lại những tài liệu của huyện, bởi trong những năm kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, toàn bộ tài liệu lưu trữ của huyện phải chuyển đi gửi nơi khác nên cũng bị thất lạc nhiều nên một số tài liệu phải mượn ở Bảo tàng tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Chia sẻ câu chuyện của những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, ông chậm rãi: "Người ngoài cuộc khó ai có thể hình dung được việc sưu tầm tư liệu chính thống lại khó khăn, vất vả thế nào. Chuyện lấy tư liệu ở kho lưu trữ không phải cứ cần là có. Đặc biệt, phải hết sức thận trọng khi trích dẫn, sử dụng”.
Quả thật, việc thống kê công sức, của cải đóng góp của nhân dân cho cách mạng thì có thể ước lượng được, còn nhân vật lịch sử, tên tuổi và công lao của họ thì phải chính xác trong khi các nhân chứng lịch sử thì ít và không phải lúc nào cũng nhớ chính xác, đầy đủ. Song, điều khiến những người viết sử như các ông vui nhất là ngay sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân. Trong đó, tổ chức Đoàn thanh niên đã chú trọng triển khai học tập, quán triệt cho thế hệ trẻ toàn huyện.
Tháng 1/1998, cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Yên tập 1 (1930 - 1954) ra đời là kết tinh công sức và trí tuệ của một tập thể, là kết quả của một quá trình nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, có công lao đóng góp to lớn của những người đã dày công tìm tòi, ghi chép lại lịch sử của Đảng bộ huyện như ông Sỹ, ông Đãng, ông Thống, ông Đức, ông Hưởng…
Đồng chí Nông Thu Hà – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lục Yên khẳng định: “Để cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện đi vào cuộc sống, chúng tôi sẽ tham mưu giúp Huyện ủy các giải pháp hướng dẫn tuyên truyền, chỉ đạo các cấp ủy đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử Đảng bộ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, đưa cuốn sách vào các trường học nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.
Những ngày tháng Tư này, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (22/4/1947 – 22/4/2017). 70 năm qua, nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị được ghi dấu, trong đó có sự đóng góp đáng kể của những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Mai Huyên (Đài TT-TH Lục Yên)
Các tin khác
YBĐT - Đảng bộ huyện xác định rõ 15 việc cụ thể cần làm ngay như: xây dựng và tổ chức kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; rà soát, thống kê, giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê đất không đúng thẩm quyền cũng như vụ việc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân ở các xã....
YBĐT - Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh có 71 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc, với tổng số 2.048 đảng viên.
YBĐT - Đảng ủy xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) lưu ý những nội dung cụ thể đối với cán bộ, đảng viên như: đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, tác phong công tác theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tăng cường đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức, quan liêu...