Mặt trận Tổ quốc Yên Bái: Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội
- Cập nhật: Thứ hai, 29/5/2017 | 7:52:53 AM
YBĐT - Thực hiện công tác phản biện xã hội, MTTQ tỉnh Yên Bái và các tổ chức chính trị - xã hội đã tiến hành phản biện xã hội theo quy định, trong đó, tập trung vào việc góp ý vào các dự thảo luật, pháp lệnh do các cơ quan chức năng chuẩn bị.
Đồng chí Nông Văn Lịnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận năm 2016.
|
Thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị ngày 12/12/2013 về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, thời gian qua, MTTQ tỉnh đã tích cực xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội theo quy định; đồng thời, chỉ đạo MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực triển khai.
Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát như: giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng...
Hàng năm, MTTQ tỉnh tham gia với HĐND, UBND, các tổ chức đoàn thể giám sát công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư các công trình, nhà dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua giám sát đã phối hợp vận động thành công một số hộ cố tình không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công công trình; đồng thời, xây dựng báo cáo đề nghị các cấp, các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết.
Thực hiện chương trình phối hợp với viện kiểm sát nhân dân các cấp, MTTQ các cấp đã tham gia các đợt giám sát hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; việc thi hành án dân sự tại các đơn vị khối nội chính.
Qua kiểm tra, giám sát đã tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan bám sát các quy định của pháp luật thực hiện tốt việc quản lý, chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ về công tác thi hành án hình sự; triển khai kịp thời các thông tư, nghị định của Chính phủ, Bộ Công an quy định, hướng dẫn công tác thi hành án hình sự; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị cấp dưới thực hiện việc thống kê, báo cáo phản ánh đầy đủ về công tác thi hành án hình sự, việc đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam về tính mạng, danh dự, nhân phẩm…
Trong năm 2013, MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức giám sát đại biểu HĐND cấp huyện, xã tại 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Năm 2015, MTTQ tỉnh cử cán bộ tham gia rà soát đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch của UBND tỉnh; tổ chức ký chương trình phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh về giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng và xây dựng Đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”.
Năm 2016, MTTQ tỉnh chủ trì tổ chức 8 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử tại 9/9 huyện, thị, thành phố. Thông qua giám sát đã kịp thời hướng dẫn tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ về bầu cử đạt kết quả với số cử tri đi bầu đạt 99%.
Chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức 5 cuộc giám sát chuyên đề về các nội dung: công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và giáo dục pháp luật, tổ chức sinh hoạt, hoạt động cho đoàn viên thanh niên; tình hình thực hiện các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; việc huy động và sử dụng các nguồn lực huy động từ nhân dân phục vụ xây dựng nông thôn mới…
Qua hoạt động giám sát, MTTQ tỉnh đã có nhiều kiến nghị với trung ương, UBND tỉnh về những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ đó, giúp chính quyền các cấp có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị và cơ sở.
Thực hiện công tác phản biện xã hội, MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã tiến hành phản biện xã hội theo quy định, trong đó, tập trung vào việc góp ý vào các dự thảo luật, pháp lệnh do các cơ quan chức năng chuẩn bị để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua; các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và góp ý vào các dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng.
Thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức trưng cầu ý kiến các ngành, các cấp và nhân dân tham gia phản biện xã hội đối với những quyết sách, đề án như: Dự thảo quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh; Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của HĐND tỉnh; Dự thảo Đề án “Phát triển nguồn lực y tế, giai đoạn 2016-2020”; Dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020”.
Phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương tham gia tổ chức góp ý vào các dự án luật, pháp lệnh như: Bộ Luật Dân sự (sửa đổi); Bộ Luật Tố tụng hình sự; Bộ Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Chính quyền địa phương; Bộ Luật Bầu cử đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội (sửa đổi)…
Thông qua việc lấy ý kiến tham gia phản biện đã có nhiều ý kiến có giá trị đóng góp vào các văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật.
Để việc thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, phổ biến tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các nội dung của 2 quyết định nêu trên.
Đồng thời, phối hợp tham mưu, đề xuất thể chế hóa các quan; điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Hồng Oanh
Các tin khác
Ông Phạm Thế Duyệt: Vai trò của người đứng đầu, của cấp trên sẽ có tác động rất lớn đối với bên dưới, trên làm tốt sẽ là tấm gương cho dưới.
YBĐT - Huyện ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ và lãnh đạo các ban, cơ quan trực thuộc Huyện ủy dự sinh hoạt định kỳ tại chi bộ khu dân cư. Đảng bộ các xã, thị trấn cũng phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn theo dõi, kiểm tra nề nếp, nội dung sinh hoạt của các chi bộ.
YBĐT - 4 tháng đầu năm 2017, huyện Lục Yên kết nạp mới 35 đảng viên, bằng 42% so với cùng kỳ năm 2016.
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị 05 các cấp ủy Đảng đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, gắn với kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các nghị quyết chuyên đề khác của Tỉnh ủy.