Với trên 91% dân số là người Mông, công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng cao Mù Cang Chải có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng cũng như triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân. Tuy nhiên, đối với một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, công tác phát triển Đảng không hề dễ dàng.C
Có đến những thôn, bản xa nhất của Mù Cang Chải, tìm hiểu hoạt động của các chi, đảng bộ cơ sở, chúng tôi mới thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của những đảng viên nơi đây. Sau hơn 1 giờ leo dốc bằng xe máy từ thị trấn Mù Cang Chải, chúng tôi cũng đến được trung tâm xã Chế Tạo. So với 5 năm trước, Chế Tạo đã có nhiều thay đổi: giao thông thuận lợi hơn, trụ sở xã xây dựng khang trang, trường học, trạm y tế được đầu tư.
Sau cái bắt tay thật chặt, biết chúng tôi muốn tới chi bộ xa nhất để tìm hiểu công tác phát triển Đảng, Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Lềnh chia sẻ: "Điểm sáng nhất trong phát triển Đảng nhiệm kỳ qua là xóa "trắng” đảng viên, bản "trắng” chi bộ. Đến nhiệm kỳ này, tạo nguồn cho Đảng lại là vấn đề nan giải. Kế hoạch năm 2021, Chế Tạo kết nạp 8 đảng viên nhưng 6 tháng đầu năm mới kết nạp được 1 đảng viên”. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã tìm đến bản Pú Vá, cách trung tâm xã 20 km.
Trên con đường về bản, đá lởm chởm chỉ vừa đặt bánh xe, một bên vách núi, một bên vực thẳm. Chiếc xe máy cứ chồm lên rồi lộn xuống. Theo Bí thư Chi bộ bản Pú Vá Sùng A Vàng từ chỗ chỉ có 1 đảng viên và phải sinh hoạt ghép, nhiệm kỳ 2015 - 2020, sau khi sáp nhập, Chi bộ có 15 đảng viên. Công tác sinh hoạt được duy trì đều đặn vào ngày 14 hàng tháng. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đều được đưa ra bàn bạc, thống nhất triển khai. Chi bộ đã chủ động phát huy phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Các đảng viên đi đầu trong khai hoang lúa nước, phát triển chăn nuôi, trồng thảo quả. Đến nay, Pú Vá có 34 ha ruộng nước, 16 ha nương ngô, 238 con trâu, bò; 200 con dê.… Bằng những việc làm thiết thực như vậy, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cứ thế đến với bà con ngày càng thuận lợi, gần gũi hơn. Tuy nhiên, điều băn khoăn là việc phát triển đảng viên hiện rất khó. Sùng A Vàng cho biết: "Khó khăn đến từ việc bà con không có nhiều mô hình hay để phát triển kinh tế, con em trong bản đều tìm cách thoát ly; nhận thức về Đảng của bà con còn hạn chế; quần chúng đi làm ăn xa nhiều…”.
Không riêng gì Chế Tạo mà nhiều thôn, bản ở vùng cao Mù Cang Chải cũng gặp khó khăn tương tự.
Khác với Chế Tạo, Khao Mang là xã gần trung tâm huyện nhưng vấn đề phát triển đảng viên cũng gặp khó khăn nhất định. Chúng tôi may mắn được dự buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ thôn Khao Mang vào sáng 15/7 vừa qua.
Buổi sinh hoạt có rất nhiều vấn đề thời sự được đưa ra; trong đó, quan trọng nhất là vấn đề triển khai phòng chống dịch Covid-19; rà soát hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở đất; trẻ em nghỉ hè tự do bơi, tắm, đánh cá trên đập thủy điện. Đặc biệt, vấn đề phát triển đảng viên cũng có ý kiến đưa ra thảo luận.
Đảng viên Lý A Sở cho rằng: "Chúng ta chỉ giới thiệu những quần chúng thực sự xứng đáng, có ý chí phấn đấu, rèn luyện nghiêm túc, không thể giới thiệu cho đủ để lấy thành tích mà không quan tâm đến chất lượng đảng viên”. Bí thư Chi bộ thôn Khao Mang Vàng A Su cho biết: "Có những thanh niên rất năng động, phát triển kinh tế tốt, có ý chí phấn đấu, nhưng khi rà soát để giới thiệu kết nạp Đảng thì lại vi phạm tảo hôn”.
Những năm gần đây, đối tượng phát triển đảng viên được các xã của Mù Cang Chải hướng đến là những con em đã đi học chuyên nghiệp, có trình độ, nhận thức nhất định. Tuy nhiên, một thực tế đang đặt ra với những đảng viên được kết nạp thời gian qua của Mù Cang Chải là việc sinh hoạt và cống hiến cho địa phương. Nhiều đảng viên kết nạp 1 năm chưa sinh hoạt chi bộ lần nào do đi làm ăn xa. Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
Song, thực tế cho thấy, các tổ chức cơ sở Đảng đã phát triển nhưng chưa thực sự mạnh, chất lượng chưa đồng đều và vẫn có nguy cơ "tái trắng” bất cứ lúc nào nếu không có đội ngũ kế cận. Thực tế, tại bản Khao Mang, không phải nguồn đảng viên của bản hạn hẹp mà do không ít học sinh sau khi rời ghế nhà trường đều tìm cách thoát ly đi làm ăn xa để mong đổi thay cuộc sống. Quần chúng ưu tú Giàng A Chư cho biết: "Tôi mong một ngày gần nhất bản sẽ có những mô hình sản xuất phù hợp để thanh niên vừa tham gia vào các phong trào của bản vừa làm giàu cho quê hương”.
Đồng chí Nguyễn Đức Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang cho biết: "Việc tạo nguồn để bồi dưỡng, kết nạp Đảng ở nhiều thôn, bản còn rất gian nan. Một số thì mù chữ, bỏ học sớm, đi lao động xa, xác minh lý lịch gặp vướng mắc. Một số sau khi học xong đại học, cao đẳng, trung cấp cũng không trở về địa phương sinh sống, khiến nguồn ngày càng thu hẹp. Một số khác ở địa phương còn thiếu nhiệt huyết với các phong trào, không phát huy năng lực để đáp ứng các tiêu chí”.
Việc phát triển đảng viên ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó. Giải quyết những nêu trên cần có thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, để các tổ chức cơ sở Đảng thực sự mạnh, ngoài những giải pháp về tuyên truyền, vận động, xây dựng các phong trào thu hút đoàn viên, thanh niên nhằm phát hiện bồi dưỡng nguồn kết nạp Đảng, về lâu dài, cần có một chiến lược bài bản để "giữ chân” lực lượng trẻ ở lại quê nhà.
Anh Dũng