"Tính Đảng” của đảng viên được hiểu là sự thừa nhận một cách tự nguyện và tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng, lý tưởng cách mạng mà Đảng lựa chọn: đó là sự tuân thủ tính tổ chức và tính kỷ luật; là những chuẩn mực trong mọi hành vi, lời nói trong các hoạt động xã hội.
Việc nâng cao "tính Đảng” của người đảng viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo ra sự đồng thuận về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; sự thống nhất, đoàn kết trong hành động; sự tiên phong và là tấm gương sáng có sức thu hút, dẫn dắt quần chúng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng...
Ở Yên Bái, câu chuyện biệt phái, tăng cường giáo viên hay những sáng tạo, sáng kiến đổi mới giáo dục vượt lên những điều kiện khó khăn của các thầy, cô giáo trong nhiều năm qua cho thấy bài học phát huy "tính Đảng” trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở Yên Bái đang đi vào thực chất và hiệu quả.
Trong mỗi điều kiện thực tế, tính Đảng được biểu hiện rất gần gũi, bằng những hành động việc làm rất cụ thể. Như với đảng viên cô giáo Bùi Thị Minh Huệ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, tính Đảng đó là trách nhiệm cao trong công tác chuyên môn, là sẵn sàng xung phong nhận những nhiệm vụ dù khó khăn đến đâu.
Năm học 2023 - 2024, cô Huệ xung phong dạy tăng cường tại Trường THCS & THPT Púng Luông, huyện Mù Cang Chải. Là người lớn tuổi nhất trong đợt tăng cường của năm học này nhưng cô Huệ không nề hà; thậm chí, cô là người xung phong đầu tiên trong Chi bộ.
Cô Huệ chia sẻ: "Là một đảng viên, tôi luôn nghĩ mình phải tiên phong gương mẫu, không thể ỷ lại bất kể điều kiện gì mà né tránh nhiệm vụ. Chúng tôi được cấp ủy chi bộ thông tin và nghiên cứu những văn bản của cấp trên, từ đó chủ động sắp xếp công việc chuyên môn cũng như gia đình để nhận nhiệm vụ. Tuy sức khỏe tôi không tốt nhưng so với các đồng chí trong tổ còn nhiều người đang khó khăn hơn, sức khỏe yếu hơn hay con còn đang nhỏ. Vì vậy, tôi đã xung phong. Không chỉ tôi mà toàn bộ giáo viên tiếng Anh trong tổ đi tăng cường đợt này hoàn toàn xung phong tình nguyện. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ và sẽ tiếp tục thực hiện luân phiên”.
Không phải là lần đầu đi tăng cường nhưng đây là lần đầu tiên cô Huệ đi tăng cường tại địa phương còn nhiều khó khăn như Mù Cang Chải. Sau 3 tuần nhận nhiệm vụ ở trường mới, cô Huệ cùng các thầy cô đã quen dần với điều kiện sinh hoạt cũng như khí hậu có phần khắc nghiệt ở nơi đây; học sinh cũng quen với cách dạy của cô.
Cô Huệ chia sẻ: "Điều kiện cơ sở vật chất ở đây tương đối tốt, các phòng học tôi dạy đều có máy chiếu hoặc ti vi nên rất thuận lợi để triển khai chương trình giáo dục mới. Đặc biệt, học trò ở đây rất ngoan và nền nếp. Đối với học trò vùng cao, tôi phải thay đổi, tìm tòi những phương pháp mới để phù hợp với mặt bằng nhận thức của học trò; phải kiên trì hơn, tỉ mỉ hơn. Đến nay, sau 3 tuần, tôi và các trò đã tìm được phương pháp chung có hiệu quả”.
Xác định được những khó khăn trước mắt, song cô Huệ và các thầy cô tăng cường không nản lòng mà chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng tiên phong vượt khó của một người đảng viên.
Thầy giáo Lê Đình Cương - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cho biết: "Khi có văn bản của Sở về việc tăng cường giáo viên, Chi bộ đã thực hiện theo đúng quy trình triển khai từ Chi bộ tới đảng viên, tới công đoàn nhà trường… Chúng tôi thực hiện theo tinh thần tự nguyện của cán bộ đảng viên. 5/6 giáo viên tăng cường đợt này của Trung tâm đều là đảng viên. Qua đó thấy rằng, tinh thần gương mẫu của giáo viên là đảng viên trong Chi bộ rất cao, nêu gương cho các giáo viên trẻ”.
Cô giáo Bùi Thị Minh Huệ (thứ tư từ trái sang) và các giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh trước lúc lên đường tăng cường năm học 2023 – 2024.
Công tác biệt phái, tăng cường giáo viên trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nhiều năm qua nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh thực hiện biệt phái 15 giáo viên môn Tiếng Anh từ khu vực vùng thuận lợi lên hỗ trợ cho huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải; 300 lượt giáo viên dạy tăng cường…; trong đó, có rất nhiều thầy cô là đảng viên, nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, xung phong tự nguyện, từ đó khắc phục hiệu quả được tình trạng thiếu giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Với thầy giáo Nguyễn Trọng Lượng - Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái, "tính Đảng” trong mỗi giáo viên là xây dựng ý thức trách nhiệm trong mọi công việc, trên mọi cương vị, chức trách được giao. Là giáo viên giáo dục thể chất nhưng thầy được giao thêm nhiệm vụ là giáo viên chủ nhiệm. Các thầy cô trong trường đặt biệt danh cho thầy là "khắc tinh của những học sinh chưa ngoan”, bởi ở trường cứ lớp nào còn chưa kỷ luật, học sinh còn chưa ngoan là được sắp xếp vào lớp của thầy. Thầy Lượng khiêm tốn: "Tôi cũng có làm gì đâu, cứ học sinh vào lớp của tôi là các em tự khắc ngoan”.
Cái "tự khắc ngoan” như thầy bảo không phải "tự khắc” mà có. Nhiều lớp phụ huynh ở Trường THCS Nguyễn Du truyền tai nhau về một thầy giáo chủ nhiệm hết lòng vì học sinh, tận tâm, quan tâm học trò, có phương pháp đặc biệt để cho các em trở thành những học sinh ngoan.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy - phụ huynh của em Đỗ Khánh Linh lớp 9A tâm sự: "Khi cháu học lớp 7, tôi không thể đối thoại được với con, dường như con không nghe lời, luôn chống đối bố mẹ. Nhưng khi cháu học lớp 8 được thầy Lượng chủ nhiệm, thầy quan tâm, trò chuyện, bảo ban, cháu đã trở thành một người hoàn toàn khác, thuần tính hơn, biết thương bố mẹ hơn, chịu khó làm việc nhà, thành tích học tập tốt hơn rất nhiều. Thầy rất quan tâm học trò, hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em. Đúng như phụ huynh các khóa trước chia sẻ, chúng tôi cảm ơn thầy nhiều lắm!”.
Với thầy Lượng, học trò như con cái trong nhà, luôn được quan tâm đặc biệt, nhất là đối với những em có hoàn cảnh khó khăn. Thầy có một thói quen đó là thường xuyên kiểm tra đột xuất việc học của các em học sinh tại gia đình vào buổi tối. Thầy bảo đấy là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm phải đôn đốc sát sao. Nhiệm vụ đã trở thành một thói quen, một việc làm thường xuyên mới thấy sự tận tâm của thầy chủ nhiệm "quốc dân” này.
Thầy Lượng chia sẻ: "Giáo dục đang đổi mới mạnh mẽ và nhanh chóng, đòi hỏi mỗi giáo viên cũng phải nỗ lực thay đổi. Chúng tôi cùng với việc đổi mới trong mỗi giờ lên lớp còn đổi mới trong cách giáo dục tư tưởng, giúp hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh. Là một người đảng viên, là một thầy giáo, tôi luôn ý thức hơn bao giờ hết trách nhiệm của mình đối với học trò. Sự tiến bộ của học trò là nhiệm vụ mà Chi bộ nhà trường giao và luôn là mong muốn của bản thân tôi”.
Trao đổi với cô giáo Phạm Thị Mỹ Lan - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Chi bộ nhà trường thường xuyên động viên đảng viên trong chi bộ nêu cao tính Đảng, tiên phong gương mẫu. Thời gian qua, phong trào đổi mới giáo dục được đẩy mạnh trong nhà trường. Ngoài việc mỗi giáo viên trong trường ít nhất có một sáng kiến, trong quá trình giảng dạy và rèn luyện học sinh, các thầy cô đều có những đổi mới hằng ngày. Nhờ đó, chất lượng giáo dục, rèn luyện của nhà trường ngày được nâng lên, tạo được sự tin tưởng cho phụ huynh và nhân dân trên địa bàn”.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính”. Các thầy, cô giáo ở Yên Bái nhận thức sâu sắc nguyên tắc này làm cơ sở cho việc xây dựng ý thức trách nhiệm trong mọi công việc, trên mọi cương vị, chức trách. Nhiều giáo viên là đảng viên đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể.
Thanh Ba