Trấn Yên phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/2/2012 | 9:00:00 AM

YBĐT - Thời gian qua, Đảng bộ huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.

Qua đó, toàn Đảng bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trấn Yên về vấn đề này.

P.V: Xin đồng chí cho biết, những kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 và Chỉ thị số 10 của Đảng bộ huyện?

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông (Ảnh): Căn cứ thực tế của Đảng bộ đồng thời xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 22, Chỉ thị số 10, Huyện ủy Trấn Yên đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện một cách cụ thể, nghiêm túc và bài bản. Đảng bộ huyện Trấn Yên hiện có 53 chi, Đảng bộ cơ sở, 323 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và hơn 4.200 đảng viên.

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 22 và Chỉ thị số 10, Đảng bộ đã đạt được một số kết quả khả quan về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở tập trung thực hiện tốt; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, thực sự tiên phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, chủ động, sâu sát thực tiễn, nắm chắc diễn biến, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng; quan tâm chỉ đạo giải quyết những vụ việc có liên quan trực tiếp đến tư tưởng cán bộ, đảng viên; thông tin định hướng kịp thời đối với một số vấn đề nhạy cảm, vấn đề được đông đảo đảng viên và nhân dân quan tâm; gắn giáo dục chính trị, tư tưởng với việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với các chủ đề cụ thể. Cùng đó, việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, chi bộ, Đảng bộ được đặc biệt quan tâm.

Đặc biệt, Huyện ủy có đề án và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển chi bộ Đảng ở thôn, bản. Đến cuối năm 2009, toàn huyện đã tách được 33 chi bộ ghép ở 73 thôn, bản và đến nay, không còn thôn, bản không có chi bộ hoặc chi bộ ghép. Trong 4 năm (2008 - 2011), Đảng bộ huyện đã kết nạp được gần 900 đảng viên mới, trong đó chủ yếu là đảng viên ở nông thôn, đội ngũ giáo viên, đảng viên trẻ, đảng viên nữ và dân tộc thiểu số...

Bên cạnh đó, việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở và bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức được coi là nhiệm vụ cấp thiết. Đã cử 177 cán bộ xã, thị trấn đi học hoàn chỉnh văn hóa phổ thông trung học, trung học cơ sở; 305 đồng chí đi đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và 326 đồng chí được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 26 đồng chí được đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị và 143 đồng chí được đào tạo trung cấp lý luận chính trị; 162 đồng chí cán bộ, cấp ủy cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đảng.

Đồng thời, phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên mở lớp đại học nông lâm cho 76 học viên tạo nguồn cho cơ sở và đến nay, đội ngũ này đang từng bước được sắp xếp, bố trí công tác. Công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp xã được quan tâm thường xuyên, cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Song song, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng đã có nhiều bước tiến quan trọng, ý thức sinh hoạt của đảng viên được nâng lên, thực hiện có nề nếp. Tất cả các cơ sở đều thống nhất lịch sinh hoạt định kỳ cho các chi bộ trực thuộc, do đó tỷ lệ chi bộ sinh hoạt định kỳ đạt 90%, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt trên 70%...

Để thu hút đảng viên tham gia sinh hoạt, nhiều chi bộ đã thực hiện sinh hoạt chuyên đề, tập trung vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, bàn thực hiện các nhiệm vụ thiết thực của thôn, bản, đơn vị và các vấn đề được đảng viên, quần chúng nhân dân quan tâm theo đúng phạm vi thẩm quyền của chi bộ. Qua đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ, góp phần rèn luyện, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, đối với cán bộ và đảng viên.

Qua đánh giá, xếp loại hàng năm của toàn Đảng bộ huyện, có trên 80% chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm hơn 80%. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Huyện ủy đã xây dựng và thực hiện kế hoạch chỉ đạo điểm về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và năng lực lãnh đạo của bí thư chi bộ ở một số chi bộ thuộc Đảng bộ xã Việt Thành, xã Nga Quán.

- Trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn, hạn chế gì, thưa đồng chí ?

Quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 22 và Chỉ thị số 10 tại Đảng bộ huyện còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở các xã đã từng bước được trẻ hóa, tính chuyên môn hóa trong công việc được thể hiện rõ hơn song vẫn còn một số cán bộ chủ chốt có trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn quy định, dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác.

Một số bí thư chi bộ, nhất là chi bộ ở nông thôn, kiến thức, năng lực, điều kiện công tác có khó khăn và khả năng lãnh đạo, điều hành công việc chưa cao, còn dựa theo kinh nghiệm, chưa thực sự đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ; một số cấp ủy Đảng cơ sở chưa chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 22 và Chỉ thị số 10; chưa phát hiện, đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hướng dẫn của cấp trên; kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn khó khăn, kể cả ở cấp cơ sở và cấp huyện.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên tại một số cơ sở hạn chế và tính định hướng, tính chiến đấu, tính giáo dục, thuyết phục chưa cao; công tác phát triển đảng viên ở một số tổ chức cơ sở Đảng nông thôn hạn chế; việc quản lý, kiểm tra, giám sát, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được coi trọng; sinh hoạt chi bộ trong các cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhiều nơi  hạn chế về nội dung, hình thức và nề nếp sinh hoạt.

- Từ những khó khăn và hạn chế đó, trong thời gian tới, Huyện ủy có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Để thực hiện thực sự có hiệu quả Nghị quyết 22 và Chỉ thị 10, cần có những nội dung, giải pháp, việc làm cụ thể, đồng bộ. Trong đó, chúng tôi lưu ý một số trọng tâm sau:

Tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 22 và Chỉ thị số 10 gắn với thực hiện Hướng dẫn số 05 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt trong các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là gắn với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương IV sắp tới về công tác xây dựng Đảng và nghị quyết của Tỉnh ủy về tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ đến năm 2015.

Đi sâu, đổi mới thường xuyên nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng và chi bộ, mở rộng dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên và tổ chức Đảng; tăng cường sinh hoạt chuyên đề cụ thể; thực hiện tốt việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, nhất là tổ chức thực hiện nghị quyết và công tác vận động quần chúng.

Chú trọng và thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư chi bộ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Hàng năm, huyện sẽ bố trí kinh phí để thực hiện công việc này. Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tuyên dương các điển hình tiên tiến của tổ chức Đảng cũng như đối với đội ngũ bí thư chi bộ; thực hiện tốt công tác bình xét, đánh giá, phân xếp loại đảng viên, tổ chức Đảng, cán bộ một cách thực chất.

Quan tâm làm tốt công tác phát triển đảng viên, trong đó đặc biệt là ở các nơi có ít đảng viên, nơi có nhiều đảng viên cao tuổi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảng viên là người dân tộc, tuổi trẻ, đảng viên nữ, đội ngũ trí thức, người theo đạo...

Xây dựng mặt trận và các tổ chức quần chúng vững mạnh làm khâu quan trọng trong việc củng cố, nâng cao chất lượng về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, thực sự là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Minh Tuấn (thực hiện)

Các tin khác

YBĐT - Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học có 20 chi bộ trực thuộc, 818 đảng viên. Đây là Đảng bộ có số lượng đảng viên đông nhất so với các chi, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ thành phố.

Một góc phường Nguyễn Phúc.

YBĐT - Trong khó khăn chung của tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Đảng bộ phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) đã tăng cường đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh, chỉ đạo HĐND, UBND, các chi bộ trực thuộc, các tổ chức đoàn thể quần chúng triển khai toàn diện nhiệm vụ năm 2011, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch năm.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh kiểm tra lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn.

YBĐT - Đến tháng 9 năm 2011, toàn tỉnh Yên Bái kết nạp được 618 đảng viên nữ, góp phần đưa tổng số đảng viên nữ trong toàn tỉnh lên 12.734 người chiếm 29,98%.

YBĐT - Đội ngũ đảng viên nói chung, trong đó có những đảng viên tiêu biểu thuộc đồng bào có đạo trên địa bàn thành phố Yên Bái luôn phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đây là đội ngũ nòng cốt trong việc thực hiện, vận động cộng đồng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục