Về địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/7/2012 | 2:49:08 PM

YBĐT - Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái ghi ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên là ngày 07/5/1930. Trong bối cảnh Đảng hoạt động bí mật, ngoài 3 đồng chí đảng viên trên, không ai biết địa điểm thành lập Đảng. Hiện nay, có một số giả thiết.

Di tích chiến khu Vần.
Di tích chiến khu Vần.

Sau khi chiếm được tỉnh Yên Bái, ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông dương ký Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái, đặt thị xã tỉnh lỵ tại làng Yên Bái. Với chính sách phát triển đồn điền, khai thác mỏ, nhiều người ở vùng xuôi di cư lên Yên Bái, trong đó một số định cư tại thị xã và dần sau đó lập nên các phố Yên Thái (từ ga lên gần Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch); phố Hội Bình thuộc phố Hồng Thanh; phố Yên Hoà và phố Yên Lạc thuộc phố Hồng Thắng, phường Hồng Hà ngày nay.

Từ ga Yên Bái tới bến xe ô tô dân cư thưa thớt, có nhà dầu, khu đấu xảo (khu chợ Yên Bái), từ cống Ngòi Yên đến phía trước Gò Chùa là phố xe ngựa; khu vực bến xe khách là phố cô đầu… Bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến tập trung chủ yếu ở địa bàn phố Hồng Thắng, phố Hồng Tiến, phường Hồng Hà.

Thị xã Yên Bái có truyền thống cách mạng. Khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo nổ ra đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10/2/1930 tại thị xã Yên Bái, nhân dân các phố Yên Thái, Hội Bình, Yên Hoà, Yên Lạc đã đổ ra đường ủng hộ nghĩa quân. Phong trào Thanh niên đoàn năm 1930-1931 đã tập hợp được nhiều thanh niên, tiểu thương, trí thức, học sinh đọc sách, báo tiến bộ và đặc biệt ngày 1/5/1931 đã treo cờ đỏ sao vàng trên cây nhội gần Trường Tiểu học Hồng Thái ngày nay.

Khi chiến khu Vần - Hiền Lương được thành lập, phong trào cách mạng ở thị xã được sự chỉ đạo trực tiếp từ chiến khu. Đồng chí Nguyễn Duy Thân, đảng viên cộng sản từ chiến khu bắt mối với đồng chí Nguyễn Hữu Minh (tức Minh Đăng) là giáo viên, nhà ở phố Yên Lạc; giác ngộ đồng chí Minh Đăng để xây dựng phong trào Việt Minh ở thị xã, sau đó kết nạp đồng chí Minh Đăng vào Đảng.

 Đồng chí Minh Đăng còn xây dựng cơ sở Việt Minh trong công chức Pháp như ông Kim Doãn làm ở kho bạc, ông Trần Thuỷ ở Sở dây thép, ông Tô Lưu ở dinh Tuần phủ (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, các ông này mới ra làm việc ở các cơ quan của Việt Minh). Đồng chí Minh Đăng cũng đã liên lạc với đồng chí Mai Văn Ty xây dựng phong trào cách mạng trong công nhân xưởng Đề-pô và giới thiệu đồng chí Mai Văn Ty vào Đảng. Đồng chí Minh Đăng và Mai Văn Ty sinh hoạt cùng chi bộ với chiến khu Vần do đồng chí  Ngô Minh Loan làm Bí thư.

Trong hồi ký ''Đốm lửa phía trước" của đồng chí Ngô Minh Loan, tại trang 29 có kể: đồng chí giao nhiệm vụ cho đồng chí Mai Văn Ty và đồng chí Minh Đăng về xem xét kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Chí, tức Chí Dũng, là người được đồng chí Minh Đăng giác ngộ cách mạng, làm nghề đánh xe ngựa chở khách tuyến Yên Bái - Yên Bình vào Đảng; khi có 3 đảng viên thì đủ điều kiện thành lập chi bộ luôn và cử đồng chí Mai Văn Ty làm Bí thư Chi bộ. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái ghi ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên là ngày 07/5/1930.

Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại chiến khu Vần.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Minh Đăng được cử lên huyện Văn Bàn công tác, bị địch bắt tra tấn dã man và mất năm 1949; đồng chí Mai Văn Ty được cử lên Lào Cai, bị Quốc dân Đảng sát hại; đồng chí Chí Dũng phụ trách cảnh sát thị xã bị Quốc dân Đảng bắt và bị sát hại cùng với đồng chí Nguyễn Phúc. Trong bối cảnh Đảng hoạt động bí mật, ngoài 3 đồng chí đảng viên trên, không ai biết địa điểm thành lập Đảng. Hiện nay, có một số giả thiết về địa điểm thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Yên Bái:

1- Khu vực Vần - Hiền Lương

 Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngọ, cán bộ tiền khởi nghĩa, là liên lạc ở chiến khu, hiện đang ở phường Yên Ninh, cho biết: Sau hội nghị chi bộ họp tại chiến khu, có đồng chí Minh Đăng và Mai Văn Ty dự, từ đó đến tận khởi nghĩa thành công thì không có cuộc họp nào có đồng chí Minh Đăng và Mai Văn Ty về dự. Thêm vào đó, đồng chí Ngô Minh Loan đã dặn, kết nạp đồng chí Chí Dũng vào Đảng thì thành lập chi bộ ngay. Như vậy không có khả năng địa điểm chi bộ thành lập ở vùng chiến khu mà phải là ở khu vực thị xã Yên Bái, nơi kết nạp đồng chí Chí Dũng.

2- Khu vực gò chùa Bách Lẫm

 Chùa Bách Lẫm ở trên một quả đồi, trước mặt chùa là sông Hồng có bờ cao dựng đứng, sau lưng chùa là đường cái. Nếu tổ chức thành lập chi bộ, có nghi lễ (như treo cờ) thì khi bị lộ không có đường rút. Theo đồng chí Đào Thái, cán bộ tiền khởi nghĩa, làm liên lạc cho đồng chí Minh Đăng, hiện ở phường Hồng Hà cho biết: trong suốt thời gian làm liên lạc cho đồng chí Minh Đăng, chưa có lần nào đồng chí Minh Đăng đến khu vực Bách Lẫm và gần chùa có Trần Sâm là thanh niên thân Nhật (sau có đi bộ đội nhưng đảo ngũ, nhảy vào tề). Như vậy, khu vực chùa Bách Lẫm khó chọn làm địa điểm thành lập chi bộ.

3- Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hoạt động bí mật tại thị xã, địa điểm thành lập chi bộ tốt nhất, an toàn nhất là ở nhà 1 trong 3 đảng viên và nếu có nghi lễ thành lập chi bộ thì hoàn toàn có thể tổ chức được.

Gần khu nhà đồng chí Minh Đăng ở là các cơ quan của chính quyền thực dân, kể cả Sở cẩm, giám binh, dinh Tuần phủ… nên tổ chức thành lập chi bộ ở đây là rất nguy hiểm. Vì vậy, không có khả năng đây là địa điểm ra đời chi bộ.

Đồng chí Mai Văn Ty là công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm, được chủ nhà máy điều lên xưởng Đề pô Yên Bái làm việc. Gọi là xưởng nhưng chỉ là khu nhà để đầu máy vào bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ, vài gian nhà kho, do người Pháp quản lý, có bảo vệ, người ngoài khó vào. Phía trước nhà xưởng liền với đường cái là khu nhà ở công nhân. Đồng chí Mai Văn Ty từng vận động công nhân xưởng Đề pô đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm thắng lợi, chắc chắn đồng chí Ty nằm trong sổ đen theo dõi của địch. Vì vậy không thể mạo hiểm tổ chức thành lập chi bộ ở đây.

Nhà đồng chí Chí Dũng ở phố xe ngựa, toàn dân lao động, phía sau nhà đồng chí là bờ sông Hồng, trồng toàn tre, gần nhà có cống to từ bờ sông chạy vào qua đường sắt, như vậy rất dễ thoát khi có động. Đồng chí Đào Thái cho biết, một buổi chiều tối, đồng chí Minh Đăng với trạng thái phấn chấn, vui vẻ (một điều ít thấy ở đồng chí Đăng, một người luôn thận trọng, kín đáo) bảo đồng chí Thái cùng xuống nhà đồng chí Dũng.

Đến nhà đồng chí Dũng, vợ đồng chí Dũng nhờ đồng chí Thái mang bát hương ra tàu ngựa mới làm chuẩn bị thay tàu ngựa cũ. Đồng chí Thái sững sờ thấy trên tấm chăn màu cỏ úa treo trên vách có lá cờ búa liềm, búa liềm được cắt bằng giấy kim tuyến màu vàng. Đồng chí Thái vội quay lên nhà, giúp vợ đồng chí Dũng thổi xôi. Sau đó, đồng chí Minh Đăng phân công đồng chí Thái ra phía bờ sông cảnh giới. Ngoài ra để bảo vệ cuộc họp, trên đường vào nhà đồng chí Dũng có buộc một con ngựa trắng rất dữ, có người vào sẽ hý, bên trong sẽ rút.

Nội dung cuộc họp đồng chí Đào Thái không được biết. Khi cách mạng thành công, đồng chí Thái được nghe kể lại trong cuộc họp đó nếu có động sẽ tháo cờ, coi như khánh thành tàu ngựa mới, còn không lộ thì sau cuộc họp sẽ liên hoan ăn xôi. Qua phân tích của nhiều người thì đây là cuộc họp kết nạp đồng chí Nguyễn Chí Dũng vào Đảng, sau đó là lễ tuyên bố thành lập chi bộ. Vì trong cuộc họp có nghi lễ treo cờ và trong hồi ký của đồng chí Ngô Minh Loan đã dặn khi kết nạp đồng chí Dũng vào Đảng thì có 3 đảng viên, đủ điều kiện để thành lập Chi bộ ngay. Như vậy, việc xác định địa điểm thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Yên Bái ở nhà đồng chí Dũng là có cơ sở khoa học, lô gíc và phù hợp với tình hình thị xã Yên Bái lúc bấy giờ. 

 Trần Thi  

Các tin khác
Trung tâm huyện Yên Bình được xây dựng khang trang to đẹp hơn.
(Ảnh: Thanh Phúc)

YBĐT - Xác định xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là yếu tố quyết định đến mọi thành công của công việc, trong suốt chặng đường 65 năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức luôn được Đảng bộ Yên Bình qua các nhiệm kỳ quan tâm, chú trọng, từ đó đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

YBĐT - Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên (Yên Bái), Phong Dụ Hạ còn nhiều khó khăn. Những năm trở lại đây, Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Các đảng viên Đảng bộ xã Trạm Tấu trao đổi kinh nghiệm trong công tác xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Ngay sau khi có Chương trình hành động của Huyện ủy Trạm Tấu (Yên Bái) về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Đảng bộ tỉnh Yên Bái về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Đảng bộ xã Pá Lau đã tổ chức hội nghị quán triệt, học tập và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình hành động cụ thể, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh về việc thành lập và phát triển tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp nhiệm kỳ 2011- 2015, ngày 28/5, Đảng uỷ Khối đã tổ chức lễ ra mắt chi bộ cơ cở Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng CCS (gồm 5 đảng viên).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục