Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai
- Cập nhật: Thứ ba, 16/5/2017 | 7:58:44 AM
YBĐT - Yên Bái là địa phương không trực tiếp đối mặt với bão nhiệt đới nhưng luôn phải gánh chịu nhiều thảm họa thiên nhiên, bao gồm lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, rét đậm, rét hại...
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, hàng năm, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đều chủ động các phương án phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai như lắp đặt các trạm đo mưa, cảnh báo lũ quét, lũ ống, xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình đa mục tiêu, trong đó có gắn với nhiệm vụ phòng chống thiên tai như: các hồ chứa, công trình kè sông suối chống sạt lở, các khu tái định cư...
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng do biến đổi khí hậu thời tiết ngày một thất thường, cực đoan; một số địa phương, doanh nghiệp và không ít người dân còn chủ quan... nên thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh còn khá lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2016, xảy ra 14 đợt thiên tai, làm thiệt hại 9.000 ngôi nhà, trên 1.600 ha lúa và 845 ha rau và hoa màu; sạt lở hư hỏng nhiều cầu cống và các công trình giao thông, thủy lợi, trường học... ước tổng giá trị thiệt hại gần 300 tỷ đồng.
Để giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, trong mùa mưa bão năm 2017, các huyện, thị, thành phố, các xã, phường, thị trấn, đang chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân cách ứng phó hài hòa, hiệu quả với thiên tai; tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời, kiên quyết ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi; tăng cường kiểm tra các công trình hồ chứa, các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các tuyến giao thông xung yếu để có biện pháp xử lý khi cần thiết.
Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ phòng chống thiên tai đáp ứng các yêu cầu thông tin dự báo khí tượng thủy văn chính xác, kịp thời; nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai cho cộng đồng dân cư, đồng thời chủ động xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động các biện pháp phòng tránh, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Về lâu dài, tỉnh cần tiếp tục rà soát, quy hoạch, kế hoạch di dời các hộ dân sống ven các bờ suối, triền núi cao có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống về nơi định cư an toàn. Yên Bái đã di dời và đưa về nơi ở an toàn trên 5.000 hộ dân với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, theo điều tra khảo sát, vẫn còn gần 3.000 hộ dân đang sinh sống và sinh hoạt trong vùng nguy hiểm thuộc huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải..., chưa kể hàng trăm hộ dân ở thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái đang sống dưới các chân đồi cao... rất nguy hiểm mỗi khi mùa mưa bão về.
Khí hậu biến đổi càng làm tăng tính khắc nghiệt, cực đoan của thời tiết, thiên tai, để phòng tránh, giảm thiểu tối đa thiệt hại, các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo, xây dựng, thực hiện tốt những kế hoạch, quy hoạch lâu dài, xuyên suốt; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. Mỗi cấp chính quyền, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường và tích cực phòng chống thiên tai để xây dựng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Việc sản xuất chè đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay còn gọi "chè sạch" với việc xây dựng chè có thương hiệu tưởng như không liên quan, nhưng thực chất nó gắn bó không thể tách rời.
YBĐT - Phân bón với cây trồng như thức ăn cho cơ thể sống. Thừa, thiếu hay mất cân đối dinh dưỡng của nguồn thức ăn đều gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống. Một vấn đề mà lâu nay người nông dân luôn quan tâm và luôn bức xúc là nạn phân bón giả.
YBĐT - Xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, đặc biệt là các đề án, dự án nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên cơ sở gắn với phát triển du lịch địa phương.
YBĐT - Riêng trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn lao động làm 29 người thương vong, thiệt hại về kinh tế trên 1,5 tỷ đồng.