Cần xiết chặt việc quản lý tài nguyên ở Lục Yên
- Cập nhật: Thứ tư, 17/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lục Yên là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú đa dạng với nhiều mỏ đá quý, bán đá quý, trữ lượng khoảng 119.000 kg; nhiều mỏ đá vôi trắng, trữ lượng trên 100 triệu m3 và các mỏ quặng sắt, quặng Pyrit...
|
Xưa, Lục Yên đã phải gánh chịu hậu quả do quản lý không tốt trong khai thác đá đỏ, dẫn đến tài nguyên thất thoát, thuế không thu được là bao, môi trường bị huỷ hoại, cơ sở hạ tầng xuống cấp... Nay, lại thời kỳ "đại công trường đá trắng, quặng sắt...". Các doanh nghiệp vào khai thác tại Lục Yên cũng chủ yếu "bóc màu" (khai thác đá block xuất thô) kiếm lời; khai thác quặng sắt chở đi nơi khác bán, không thể kiểm soát được!
Hiện nay, các doanh nghiệp đang khai thác đá vôi trắng tại Lục Yên chỉ khai thác được 15- 20% sản phẩm đá block đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại mỏ được cấp; sản phẩm không đủ tiêu chuẩn thì san gạt ra xung quanh khu vực khai thác, vừa lãng phí tài nguyên vừa làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Việc "bóc màu" quặng sắt ở Khai Trung, Minh Chuẩn cũng tương tự. Song các doanh nghiệp này lại đóng thuế cho địa phương chẳng được là bao, thậm chí có doanh nghiệp còn trốn không chịu nộp thuế.
Những ngày cuối tháng 9/2007, chúng tôi trở lại Lục Yên- vùng đất nhiều người đặt tên là "Vịnh Hạ Long vùng Tây Bắc" với dãy núi đá trùng trùng, điệp điệp đẹp mê hồn; qua cầu Tô Mậu là núi Vua Áo đen sừng sững như thành trấn giữ "đất ngọc"; rồi đến Đền Đại Cại, núi Chuông vốn rất linh thiêng đang dần trở thành điểm nhấn du lịch của Yên Bái. Nhưng thật buồn, vì Công ty TNHH Hùng Đại Dương đã khai thác làm cho hình hài núi Chuông không còn nguyên vẹn nữa. Núi Chuông, núi Vua Áo đen, giờ sắp được các doanh nghiệp khai thác đá vôi trắng "xẻ thịt" xong. Cùng những cao niên trong vùng tiếc nuối ngắm núi Chuông, chúng tôi giật mình vì tiếng còi huyên náo của đoàn xe vận chuyển quặng sắt từ Khai Trung, Minh Chuẩn ra đầu cầu Tô Mậu đưa đi nơi khác tiêu thụ. Có xe phủ bạt lên quặng sắt, cũng có xe chẳng che phủ gì, cứ phóng vù vù, mà chẳng thấy có ai kiểm tra, xử lý. Chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ mà có trên 20 chiếc xe tải nhỏ và xe I-pha chở quặng từ xã Khai Trung, Minh Chuẩn đi nơi khác tiêu thụ.
Ông Bùi Khắc Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường cho biết: " Trên địa bàn huyện Lục Yên hiện có 5 công ty khai thác đá vôi trắng; 5 công ty, HTX khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 2 đơn vị khai thác than; 2 đơn vị khai thác quặng sắt và hàng chục công ty đang hoạt động thăm dò khoáng sản... Song, do Phòng thiếu cán bộ chuyên môn quản lý tài nguyên khoáng sản nên đang gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý các công ty, đơn vị đang hoạt động khai thác, thăm dò tài nguyên khoáng sản trên địa bàn". Đúng là việc quản lý tài nguyên khoáng sản ở Lục Yên, đang gặp rất nhiều khó khăn.
Từ khai thác có đúng mỏ được cấp không? Khai thác có đảm bảo môi trường không? Khai thác có chế biến không?.. Đến việc quản lý, kê khai nộp thuế cũng rất khó! Ví dụ, Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái được cấp giấy phép khai thác đá trắng tại thị trấn Yên Thế nhưng công ty đã cố tình khai thác khoáng sản ra ngoài khu vực được cấp phép. Ngày 20/6/2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 858/QĐ- UBND xử phạt hành chính đối với công ty này.
Ngày 30/3/2007, UBND huyện Lục Yên ra Quyết định 157/QĐ- UBND xử phạt hành chính đối với chi nhánh Công ty TNHH Khoáng sản Tây Bắc đang khai thác mỏ sắt thôn 4 xã Khai Trung vì sử dụng đất đai không đúng mục đích, khai thác khoáng sản không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, cố tình che giấu không kê khai nộp thuế tài nguyên... Tổng số tiền phạt và truy thu thuế chi nhánh công ty này là 153.700.000 đồng; trong đó, truy thu thuế tài nguyên 30.750.000 đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường hoạt động san lấp đất làm đường 30 triệu đồng...
Trước tình hình trên, ngày 28/8/2006, UBND tỉnh đã ra Thông báo số 158/TB- UBND, theo đó, từ ngày 01/01/2007, tạm thời đình chỉ việc xuất khẩu đá block của các doanh nghiệp đang khai thác trên địa bàn huyện Lục Yên. Nhưng để cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị điều kiện xây dựng các cơ sở chế biến và xuất hàng tồn kho theo hợp đồng đã ký với các đối tác nước ngoài, UBND tỉnh đã gia hạn cho các công ty tới hết tháng 7/2007 hoàn thành việc xuất khẩu đá block cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đến cuối tháng 9/2007, nhiều doanh nghiệp ở Lục Yên vẫn chưa dừng khai thác đá block. Cụ thể, là ngày 20/9/2007, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thành Phát vẫn khai thác đá block với lý do khối lượng sản phẩm tồn tại mỏ đến ngày 31/7/2007 là 130 m3 và công ty vẫn xuất bán thô những bìa đá này cho các đơn vị khác chế biến...
Đã đến lúc các ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện Lục Yên cần xiết chặt việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản và việc kê khai nộp thuế của các công ty, đơn vị đang khai thác khoáng sản, thực hiện nghiêm Thông báo 158 của UBND tỉnh. Có như vậy, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở Lục Yên mới thực sự góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.
Ngày 20/9/2007, Công ty cổ phần Thương mại Thành Phát vẫn khai thác đá block tại mỏ và chở đá đi tiêu thụ.
Trường Phong
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách, dự án đầu tư, áp dụng KHKT vào sản xuất, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng và các tiến bộ kỹ thuật về giống nên năng suất đã tăng từ 74 tạ/ha năm 1995 lên 95 tạ năm 2006.
YBĐT - Cơn bão số 5, năm 2005 đã để lại cho chúng ta những hậu quả nặng nề và cả những bài học đáng giá. Tháng 9, tháng 10, là những tháng cuối mùa mưa, nhưng ở tỉnh miền núi như Yên Bái, đó là thời điểm thường xảy ra lũ quét, lũ ống bất thường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
YBĐT - Theo tính toán, có 34% dân số tỉnh Yên Bái thuộc diện người nghèo, người dân vùng 135 và cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp, Mỹ. Đây là những đối tượng có mức thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Có thể nói năm 2007 là năm xuất hiện nhiều loại dịch bệnh cùng lúc và trong các tháng 1,2,4 khi mà dịch cúm gia cầm vừa tạm lắng thì dịch lở mồm long móng đã tái phát và lây lan ở 24 thôn bản thuộc 9 xã của huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đã có 1051 con gia súc mắc bệnh.