Ai nuôi người nhiễm chất độc da cam không nơi nương tựa?

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/7/2012 | 9:31:51 AM

YBĐT - Chất độc da cam trong chiến tranh do đế quốc Mỹ để lại đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam, trong đó có những cựu binh Yên Bái tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam bị phơi nhiễm mà hậu quả nặng nề phải gánh chịu đến cả thế hệ thứ ba.

Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề lâu dài, quan trọng và cấp bách hiện nay
Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề lâu dài, quan trọng và cấp bách hiện nay

Chất độc da cam không chỉ gây cái chết thương tâm cho người nhiễm trực tiếp mà còn di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, cũng như Yên Bái, di chứng chất độc da cam đã truyền sang thế hệ thứ ba.

Năm 1980, Đảng, Nhà nước ta đã thành lập Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục hậu quả loại chất độc nguy hiểm này, trong đó có những chính sách tẩy độc môi trường, trợ cấp, ưu đãi hộ gia đình có nạn nhân chất độc da cam.

Nhà nước đã dành những khoản kinh phí lớn hàng năm để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe nạn nhân, triển khai các dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái.

Năm 2000 đến nay, Nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ cấp hàng tháng cho các nạn nhân chất độc da cam.

Các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân đóng góp nhiều công sức, tiền của, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và khắc phục hậu quả của chất độc da cam đối với môi trường.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam thành lập tháng 1/2004 đã tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Công tác giáo dục, động viên, trợ giúp các nạn nhân vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng được đẩy lên một bước mới. Ở Yên Bái, cùng với chăm sóc, nhiều gia đình nạn nhân chất độc  da cam được hỗ trợ xây dựng nhà ở khang trang.

Dù vậy, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thảm họa da cam chưa thường xuyên. Các ngành, các cấp chưa phối hợp chặt chẽ trong giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Một vài cơ quan có trách nhiệm chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của hậu quả chất độc da cam nên kết quả thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước còn những hạn chế nhất định. Không những vậy, mức trợ cấp còn thấp, thủ tục xét hưởng trợ cấp còn phức tạp nên nhiều nạn nhân chất độc da cam chưa được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, có không ít gia đình ở Yên Bái và trong cả có ba nạn nhân trở lên là nạn nhân chất độc da cam. Đau xót hơn là, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng đến nay ở Yên Bái và nhiều địa phương khác trong cả nước, đặc là các tỉnh phía Nam có rất nhiều trẻ em thuộc thế hệ thứ ba chịu di chứng của chất độc da cam.

Do chưa có chính sách hỗ trợ nên các trẻ em thế hệ thứ ba nhiễm chất độc da cam  chưa được hưởng trợ cấp của Nhà nước, dù đời ông chiến đấu ở mặt trận phía Nam có những cống hiến vì độc lập dân tộc còn để lại di chứng.

Đáng ngại nữa là hiện nay ở các gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam, những người cha đi chiến đấu bị nhiễm chất độc đều ốm yếu, kéo theo cả đàn con chịu di chứng bệnh tật nặng nề, tất cả trông vào sự chăm sóc của những người vợ, người mẹ già.

Câu hỏi đặt ra là khi những người mẹ, người cha trong các gia đình này qua đời, ai sẽ chăm sóc những người con bệnh tật của họ?

Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 18/12/2009 xác định: "Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay".

Do vậy, đối chiếu với tình hình thực tế hiện nay, rất cần có chế độ trợ cấp cho trẻ bị di chứng chất độc da cam thế hệ thứ ba đồng thời có cơ sở nuôi dưỡng những người chịu di chứng chất độc da cam nặng nề, không còn cha mẹ, không nơi nương tựa để chăm sóc đang thực sự là vấn đề bức thiết phát sinh, cần được Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng quan tâm.

Đào Minh

Các tin khác
Một trong những công trình được đầu tư từ Chương trình 135 của Chính phủ ở huyện Lục Yên. Ảnh minh họa

YBĐT - Trong khi các nguồn vốn đầu tư công ở nhiều lĩnh vực bị tạm đình hoãn, cắt giảm mạnh gây nhiều khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp thì nguồn vốn đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2 (vốn năm 2011 chuyển thực hiện năm 2012) và vốn đầu tư của chương trình cho năm 2012 khá dồi dào.

YBĐT - Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương triển khai rầm rộ, trong đó nổi bật là việc triển khai huy động sức dân kết hợp với sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có khoảng 20% số xã đạt tiêu chí.

YBĐT - Chỉ còn hai ngày nữa, các sĩ tử sẽ bước vào chinh phục đỉnh cao sau 12 năm đèn sách - kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Đây là dấu mốc các em phải vượt lên để quyết định tương lai của mình.

YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi, 30 dân tộc anh em chung sống, dân số khoảng 75 vạn người. Trong đó, đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Thái, Mông... chiếm 53,7% dân số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục