Sức trẻ đất anh hùng
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tuổi trẻ Trấn Yên nhiều năm qua đã không ngừng phát huy truyền thống của huyện anh hùng, tích cực học tập, lao động, sáng tạo, góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Không ít đoàn viên thanh niên huyện Trấn Yên đã tham gia Dự án trồng tre măng Bát độ.
|
Để phong trào không ngừng lớn mạnh, Huyện đoàn Trấn Yên luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và bằng những cuộc sinh hoạt chính trị đã thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Cùng với đó là các hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa; công tác giáo dục pháp luật cũng được tăng cường. Có thể nói, công tác truyên truyền giáo dục của Đoàn có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, khả năng tiếp cận đã mang lại hiệu quả thiết thực. Một trong nhiều thành công của ĐVTN huyện Trấn Yên những năm qua phải kể đến phong trào thi đua học tập, tiến quân vào khoa học công nghệ và chỉ tính từ năm 2001 đến nay đã có 12 sáng kiến, đề tài làm lợi trên 1,2 tỷ đồng.
Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Trung tâm Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ của Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Trấn Yên. Đã xây dựng thí điểm 1 trung tâm công nghệ thông tin tại xã Nga Quán, hàng năm thu hút trên 700 ĐVTN tham gia học tập, sử dụng và khai thác. Trong hướng phát triển, Huyện Đoàn cũng đã duy trì hoạt động hiệu quả của 29 CLB thanh niên với công tác khuyến nông - khuyến công. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ mạnh dạn phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế trang trại, từ chỗ chỉ là vài chục trang trại năm 2001 thì nay đã có 197 trang trại, hàng năm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 400 lao động. Nhiều trang trại đã bước đầu phát triển vùng sản xuất hàng hóa, các nghề truyền thống như: trồng dâu nuôi tằm, sản xuất miến đao, trồng chè, trồng tre măng Bát Độ... Điển hình là Đoàn viên Giàng A Khai ở xã Kiên Thành; Đoàn Chí Công ở xã Hồng Ca; Lê Văn Hải, Trần Ngọc Quân ở xã Giới Phiên; Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Sỹ ở xã Việt Thành; Nguyễn Quang Vinh, Đào Đức Hoàng ở xã Bảo Hưng...
Tạo điều kiện cho các ĐVTN, từ năm 2001 đến nay, Huyện Đoàn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 420 lớp tập huấn cho 36.750 lượt ĐVTN tham gia và xây dựng 55 mô hình trình diễn như: mô hình mạ khay, sản xuất lúa chất lượng cao, mạ che phủ ni lông, trồng cỏ voi, nuôi bò bán công nghiệp... Huyện Đoàn cũng triển khai chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên vay vốn sản xuất với số tiền trên 1 tỷ đồng. Sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhiều đoàn viên đã đưa kinh tế hộ từ mức nghèo đói lên trung bình và khá giả.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế chung toàn huyện, hàng năm, các cấp bộ Đoàn cùng các cấp chính quyền tham gia làm trên 200 công trình tình nguyện, thu hút trên 20.000 lượt ĐVTN. Nhiều công trình đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân như: đường Tà Xi Láng (Trạm Tấu), đường Khe Tiến (Hồng Ca), đường Đồng Ruộng (Kiên Thành)... Đặc biệt, phong trào tình nguyện của các bạn Sing-ga-po ở xã Âu Lâu, Văn Phú, Văn Lãng đã giúp xây dựng trường, lớp mẫu giáo, phòng thư viện, tủ sách... trị giá trên 200 triệu đồng. Thanh niên tình nguyện còn tham gia xóa nhà dột nát cho 35 hộ và hàng ngàn ngày công lao động cùng toàn huyện xóa 682 nhà dột nát cho hộ nghèo.
Bằng những việc làm thiết thực, tuổi trẻ Trấn Yên nguyện tiếp bước cha anh, cùng tuổi trẻ cả nước thực hiện thành công sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước.
Thạch Phong